Monday 25 February 2008

“Đời còn ai thông cảm kiếp đoạn trường”

Em biền biệt như một loài chim biển,

Anh quay về kiếp gối đất màn sương,

Đời còn ai thông cảm kiếp đoạn trường,

Anh khẽ vuốt sợi tóc mềm ngấn lệ

(dẫn nhập lời thơ Thanh Tâm)

Yn 4: 5-42:

Lại một nhà thơ có tâm tình ngấn lệ. Lệ đã ngấn, cùng với kiếp gối đất màn sương như người mù đã chịu được kể trong trình thuật, diện kiến Chúa hôm nay.

Tin Mừng hôm nay, là đoạn truyện kể về việc Chúa chữa lành cho người mù thuở mới sinh. Một chữa lành, đã tạo ưu tư/thắc mắc giữa các tông đồ, luật sĩ cùng thủ lĩnh cao sang, vào thời ấy. Thắc mắc ưu tư hôm xưa, về nguyên do của mù loà. Về, việc Chúa chữa lành dẫn đến niềm tin. Niềm tin của người mù. Và, của người chứng kiến việc Chúa làm.

Các tông đồ, luật sĩ đã chứng kiến rồi mà còn thắc mắc, là bởi họ luôn để trong đầu quan niệm rất sai khi nghĩ là: có ràng buộc giữa tội lỗi và tật nguyền. Có người lại coi đây như hình phạt gửi từ Trên, do lỗi phạm của con người. Của cha mẹ và người thân! Dù, đã hơn một lần, Đức Giê-su từng bảo: “Lỗi của chị được tha thứ, và đã cất đi!”. Trình thuật hôm nay, Chúa còn thay đổi lối nhìn của người thắc mắc, với một khẳng định: “Làm thế, là để thiên hạ nhìn thấy được công trình của Thiên Chúa hiện rõ nơi anh.” (Ga 9: 3)

Chúa làm thế, là để ta thấy rõ công trình của Ngài. Là, phân biệt ánh sáng với cõi tối tăm. Là, biết được việc Chúa chữa lành người mù, tức: đưa người ấy vào cuộc sống mới. Cuộc sống, biết phân biệt sự sáng với tối tăm. Là, biết nhận ra không chỉ ánh sáng của đời thường, mà còn nhận ra chính Ngài là “ánh sáng cho muôn dân.”

Khởi đầu trình thuật, ai cũng hiểu: người mù từ bẩm sinh là người khất thực, sống ngoài Đạo. Không được đứng chung với cộng đoàn dân con Đức Chúa. Anh thuộc nhóm người, bị né tránh. Nhưng khi lành lặn, anh được phép gia nhập cộng đoàn kẻ tin, trở nên môn đệ trung kiên của Chúa. Điều này cho thấy: theo quan niệm Tin Mừng, người được chữa sẽ không ở trong tăm tối nữa, nhưng đã ngập tràn ánh sáng của Chúa. Ngập tràn hồng ân Chúa ban. Hồng ân làm môn đệ, rất kiên vững.

Tin mừng kể: Đức Giê-su dùng bùn đất và nước miếng, để chữa lành. Bùn và nước miếng Chúa dùng, là lối chữa dân gian, không để xác nhận lối chữa lành nhờ phù phép, nhưng để nhắc nhở người nghe về quyền uy Đức Chúa, qua việc tạo dựng. Tạo dựng, là đem sự sống mới đến với con người. Sự sống nơi người mới, khác với A-đam đầy lỗi phạm. Sự sống Chúa ban, là sự xác nhận mà thánh Phao-lô gọi là Thanh tẩy. Thanh lọc và tẩy rửa nơi hồ Si-lô-am, biểu hiện sức sống mới nhờ Thánh Thần.

Thánh thần Chúa chữa lành ngày sa-bát, tuy vi phạm luật Do Thái, nhưng như thế càng chứng tỏ Thiên tính của Đức Giê-su, Đấng bẻ gãy thói tật người xưa chỉ tuân giữ lề luật vị lề luật. Chữa lành ngày Sa-bát, còn chứng tỏ Đức Giê-su không chỉ là một phàm nhân tội lỗi, giống mọi người. Bởi, họ đều rõ: “nếu là người tội lỗi, sao Ông Ta có thể làm được như vậy” (Ga 9: 16). Việc Ngài làm, đã gây tranh cãi và thắc mắc kéo dài, là để xác minh về Thiên tính của Đức Giê-su.

Có sự tranh cãi và biện luận kéo dài, vì Chúa đã bẻ gẫy thói tật người xưa chỉ tuân giữ lề luật vì lề luật. Họ lo sợ rằng Chúa sẽ lôi cuốn những người lưng chừng về với niềm tin rằng Ngài đích thực là Đấng Thiên Sai. Ý đồ và hành động của những người tự-cho-mình-là người-giữ-Luật là công việc của con cái sự tăm tối, như xác định của thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai, hôm nay: “Anh chị em hãy ăn ở như con cái sự sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.. Đừng cộng tác vào việc vô bổ của con cái sự tối tăm, nhưng phải vạch trần việc ấy ra mới đúng.” (Êp 5: 10)

Người mù nay được sáng đã làm như thế. Anh đã tin “vào Người Con là Đấng Thiên Sai, đang đứng trước mặt và nói chuyện với anh” (Ga 9: 35), nên anh được cứu chữa. Cả về mặt thần tính. Chính vì anh tin, nên ta có được lời minh xác về Thiên tính, từ Đức Giê-su ngay lúc đó: “Tôi đến thế gian, chính là để xem xét: cho người không nhìn được thấy, và kẻ vẫn thấy lại nên đui mù.” (Ga 9: 39). Và, đui mù cùng nhìn thấy, nay được liên kết với người vô tội và kẻ tội lỗi.

Từ đó, theo định nghĩa, có hai loại người chính thức trong xã hội:

1-kẻ đui mù thể xác, chấp nhận lời của Chúa, nay trở thành chiên con được Ngài dẫn dắt.

2-nhóm Pha-ri-sêu cho mình sáng suốt nên đã không tin, vẫn cứ nghịch chống Đức Giê-su.

Nói khác đi, những kẻ tội lỗi, từ chối không chịu nghe, hoặc tự hào về đầu óc sáng suốt đã thực sự là người đui mù hoặc tự làm mình mù đui. Hoặc, nhóm Pha-ri-sêu những tưởng mình thấy được, mới thực sự là kẻ tội lỗi. Và người mù từ thuở mới sinh nhưng chấp nhận lời Chúa dạy, đã được thấy trở lại. Không còn mù đui nữa. Cả về mặt thần tính lẫn niềm tin.

Xem như thế, Phúc Âm hôm nay là một nối kết rõ ràng với việc thanh tẩy. Chúng ta tuyên bố Lời Chúa cho các dự tòng, những người chuẩn bị nhận lĩnh ơn thanh tẩy vào với cộng đoàn những kẻ tin có Chúa. Những người đã bắt đầu nhìn thấy Đức Giê-su. Bắt đầu nhận biết và đi theo Ngài. Đi theo, để rao truyền Lời Ngài đến muôn dân nước.

Thể theo lời xác minh đề nghị của thánh Phao-lô nơi bài đọc thứ hai, nay ta có được ánh sáng của Tin Mừng, ta sẽ xử sự như người sáng mắt. Sáng cả về thể xác, lẫn niềm tin.

Như người sáng suốt với niềm tin vào Chúa, ta hân hoan tiến bước, miệng vui tươi hát rằng:

Ôi! Nắng lụa vàng, nắng lụa vàng nắng ướt môi em,

Ôi! Nắng lụa vàng, nắng lụa vàng quấn quít chân em.

Trên con đường này, ngày xưa, ngày xưa

Trên con đường này, chiều nay, chiều nay… (Phạm Thế Mỹ - Áo lụa vàng)

Đúng thế. Trên con đường này, chiều nay ta tiến bước. Có nắng lụa vàng quấn quít chân em. Và cả chân tôi. Những người quyết ra đi báo tin vui cho mọi người. Tin rằng: ai nông nổi kiếp đoạn trường, nay có Chúa ở cùng. Cùng đến gối đất kiếp màn sương. Với người mù từ bẩm sinh. Với dân con, mọi người. Mọi thời.

_________________________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.

No comments: