Monday 10 March 2008

“Khơi kỷ niệm tìm hương thơm mùa cũ”

Nghe rất nhẹ mơ hồ như sương phủ
Gót nai về ủ rũ dưới thông cao
Lại chạnh lòng chợt nhớ đến thu nào
Anh gần gũi giữa vòng tay trìu mến

(dẫn nhập từ thơ Hồ Công Tâm)

Mt 26: 14, 27: 66

Khung trời kỷ niệm mà nhà thơ khơi lại, có lẽ cũng là kỷ niệm mà người dân đi Đạo vẫn có vào buổi phụng vụ Vượt Qua, hôm nay. Khơi lại kỷ niệm, là khơi mào tình thương yêu mến mộ Chúa đã ban, ghi rõ ở trình thuật.

Trình thuật ghi hôm nay, diễn tả tình thương Chúa gửi đến với mọi người con yêu dấu, ở trần gian. Tình thương đó, là đặc ân cứu độ ta có được qua mầu nhiệm thống khổ. Qua nỗi chết và sự phục sinh của Đức Chúa. Phục sinh cứu độ, đã giải thoát mọi người. Giải thoát chúng ta.

Qua cử hành tuần lễ thánh, Giáo Hội không chỉ “khơi kỷ niệm” cứu độ Ngài thực hiện, thôi. Nhưng, còn giúp ta đồng hành với Chúa. Đồng hành để ta cùng vào quỹ đạo tình thương. Vào cuộc sống. Ở nơi đó, có tình tự bi-ai, sầu-buồn ta từng trải trong cuộc sống. Sống với Chúa. Với mọi người.

Phụng vụ hôm nay, trổi bật lên hai sự kiện đan kết nhau trong cùng một nghi thức. Phần đầu nghi thức, cử hành việc Chúa chiến thắng nỗi sầu-buồn, với không khí tưng bừng ngày mừng lễ. Qua cử hành, ta sẽ cùng với Đức Kitô tay cầm tàu lá, miệng hát vang rền lời tung hô chúc tụng. Và, hiên ngang tiến vào đền thánh Giê-ru-sa-lem. Đầu cao mắt sáng, nhưng không cao ngạo như vua quan lãnh chúa, ở ngoài đời. Hiên ngang vào cung điện bàn thờ, linh mục chủ tế mặc hồng bào khởi đầu cuộc khổ nạn xưa, Chúa vui nhận.

Khổ nạn Chúa vui nhận, gồm hai yếu tố đích thực. Thứ nhất: vào giai đoạn đầu tiến trình Vượt Qua, tình hình ở Do Thái rất sôi sục. Nhà cầm quyền khi ấy, rất lo ngại về một nhen nhúm nổi dậy và kình chống khởi từ phía người Do Thái, do Đức Giê-su khởi xướng. Vốn những lo ngại, họ đành nhúng tay vào lĩnh vục tôn giáo, cốt trừ khử Đức Chúa khỏi hiện trường chính trị và xã hội, tránh hậu họa. Yếu tố thứ hai, là ý nghĩa của cuộc Vượt Qua mới, tức: công trình cứu độ, Ngài thực hiện ngang qua khổ đau thân xác. Khổ đau, không có nghĩa: Cha để mặc Ngài đi vào chỗ chết. Nhưng, khổ đau ở đây do chính Ngài đã tự ý lĩnh nhận cho đến chết. Hầu thực hiện thánh ý Cha.

Chấp nhận khổ đau, Đức Kitô tỏ bày tình yêu cao độ Ngài phú ban cho mọi người. Con dân yêu quý nơi nhà Đạo, lẫn kẻ thù ở ngoài. Tình thương Ngài ban, là gương sáng Ngài lĩnh nhận từ nơi Cha. Và, chính tình thương yêu cao cả, đã khiến Ngài hy sinh trọn cuộc sống, quyết thực hiện công trình cứu độ, đã đề ra.

Trình thuật khổ đau hôm nay, cho thấy Đức Kitô chấp nhận đặt mình vào hoàn cảnh rất “người”, giống mọi người. Chấp nhận như thế, Ngài đã chuyển tải ý nghĩa của tương quan Ngài vẫn có, đối với ta. Tương quan Ngài có, là thế này: chỉ bằng vào tin-yêu đích thực, ta mới nhận ra việc Chúa làm. Công việc Ngài làm, là biến ý định của Cha thành hiện thực qua kinh nghiệm khổ đau, rất người. Và, bằng vào chết nhục mà người phàm ở dưới thế không thể hình dung. Như, thánh Phao-lô quả quyết: “với người Do Thái, đây là cớ vấp phạm. Với kẻ không tin, đây là điều vô nghĩa lý.”

Trình thuật việc Chúa chấp nhận khổ đau và nỗi chết, là điều rất thích hợp và cũng rất thật. Thật đến như thế, mà nhiều người vẫn không tin. Cứ biện giải: là Chúa, sao Ngài cứ phải khổ đau? Nhiều người không tin Chúa đau khổ, vì vẫn chối bỏ lời Ngài, trong tân Ước. Rõ ràng, các thánh sử đã quả quyết: Thiên Chúa hạ giáng làm người, Ngài mặc lấy thân phận và tính chất rất “người”. Vì thế, Ngài chấp nhận khổ đau và nỗi chết, là để hoàn tất công trình Cha giao phó.

Là người, Đức Chúa nhận thức khổ đau hơn bất cứ ai. Đau khổ nhiều, khi đồ đệ bỏ đi để Ngài lại một mình, nơi vườn Dầu sầu thảm. Và, đau khổ đến tột đỉnh, khi Cha dường như cũng làm thinh. Với bản chất rất “người” của Ngài, Đức Giê-su dốc tàn hơi nói lời cuối của Người Con có bản chất rất “Chúa”: “Lạy Cha! Lạy Cha! sao Cha nỡ bỏ con?”(Mc 15: 34). Thốt lên lời cuối, Chúa công khai tỏ bầy một sự thật: nay, đã hoàn tất công trình cứu độ, Cha trao phó.

Mặc lấy tính “người” cho đến chết, Đức Giê-su vẫn có tư cách, quyền uy và thế lực, của người thường. Quyền uy Ngài rất chói sáng, suốt một đời. Chói sáng đến độ, binh đội bắt Ngài, đã phải xử sự cách lạ lùng hệt như kẻ đến để bảo vệ. Và, dù đủ sức phản chống, Ngài vẫn ứng xử đúng theo tư cách của Đấng có uy và có quyền. Quyền uy đến độ, trước mặt quan án rất hùng hổ, Ngài vẫn lặng im không khuất phục. Không bị uy hiếp, lẫn khiếp sợ. Ngược lại, Ngài vẫn nguyện cầu và thứ tha cho kẻ gây sầu, quyết hại Ngài. Cuối cùng, chính lúc Ngài chết đi, là lúc Ngài giúp mọi người được vui sống.

Bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô đã viết: “Chúa tự trút bỏ con người” của Ngài, cách hoàn toàn. Trút bỏ như thế, Ngài đã lấp đầy thân mình Ngài bằng Thần Khí của Cha. Trút bỏ như thế, Ngài không còn dính dự vào bất cứ gì. Và, để mặc cho vật chất tất cả trở thành hư vô. Đây chính là điều mà những người không có niềm tin-yêu mãnh liệt, không hiểu thấu.

Ở cuối trình thuật thống khổ, thánh Mát-thêu có ghi: “Đức Giê-su đã trút linh hồn” (Mt 27: 50). Thông thường, đây là lối nói diễn tả việc Ngài thở hơi cuối cùng. Nhưng, trong bối cảnh công trình cứu độ, điều này có nghĩa: sự sống, nỗi khổ và sự chết của Đức Giê-su, hiểu đúng cách, đã chiến thắng và chuyển quyền uy sức mạnh đến với thế giới nhân trần. Quyền uy ở đây, là sức mạnh của Thánh Thần Chúa vốn lấp đầy nơi thân mình Đức Giê-su, nay được chuyển cho hết mọi dân con đi theo Ngài.

Thừa hưởng uy quyền được Chúa ban, đồ đệ chúng ta cũng sẽ trải qua các kinh nghiệm như Thầy từng trải. Nghĩa là: cũng giống Thầy, ta sẽ chứng kiến nỗi khiếp sợ ban đầu. Nhưng, sẽ được tràn đầy quả cảm để không còn hãi sợ nữa. Không sợ, vì đã có niềm vui Thần Khí Chúa ở cùng. Và, dù có bị đưa đẩy vào chốn tù đày có giết chóc có hãm hại, đồ đệ Thầy là chúng ta cũng tồn tại. Sẽ tiếp tục rao truyền Lời Chúa, không khiếp sợ. Và, Sự Thật lâu nay vẫn chứng minh điều này.

Đau khổ và nỗi chết của Đức Giê-su ta mừng kính hôm nay, vẫn không là dấu vết của một gục ngã. Nhưng, chính là sự khải hoàn và chiến thắng như cuộc sống các đấng tử đạo và người chứng của Đức Chúa vẫn xác minh, suốt hơn 2000 năm.

Trong tinh thần háo hức bước vào tuần mừng Chúa chấp nhận khổ nạn, ta cũng đừng quá tập trung vào những sầu buồn khổ đau của Chúa. Bởi, làm như thế, có người lại coi đó như thú đau thương, thích khổ hình. Trong khi, đau thương và khổ hình chỉ đích thực mang nghĩa thích thú, khi chúng soi dọi và dẫn đến khổ đau và sống lại, của Đức Giê-su mà thôi.

Mặt khác, khổ đau con người, tuyệt nhiên không thể mang ý nghĩa của trừng phạt từ Đức Chúa. Thành thử, cũng đừng nên tìm đến khổ đau sầu buồn, để rồi than vãn hoặc công kích. Sự thật thì, khổ đau sầu buồn, vẫn là nguồn gốc dẫn đến mọi tốt lành vì chúng giúp ta trưởng thành hơn. Biết yêu thương, biết chăm sóc và có thiện cảm với những người buồn và khổ. Nói cách khác, khổ đau sầu buồn giúp ta trở nên giống Đức Kitô hơn. Giống, vì nó giúp giải thoát mọi người, trong chúng ta.

Trong tinh thần hiên ngang theo Chúa chấp nhận sầu buồn, ta hãy phấn khởi lên mà ca hát:

Thôi một giọt nước mắt này

Cho cuộc tình đam mê, cho người tình trăm năm,

Em về đan tóc lụa là

Kết từng chuỗi ngày buồn riêng mang

Anh đi về dấu giáo đường

Cho cuộc tình bay cao, cho lòng mình xôn xao

Em cuộn theo tháng ngày dài

Kiếp này trót gặp người cho buồn. (Ngô Thuỵ Miên – Giọt nước mắt ngà)

Vâng. Giọt nước mắt ngà, mà người anh người chị đang rơi vãi, chắc chắn sẽ không là giọt nước mắt cho Cha, cho Thầy Chí Thánh. Bởi hôm nay, mùa Vượt Qua rất khổ và rất đau, thì cũng đã qua rồi. Còn lại, là ngày rực sáng sống lại của công trình cứu độ Thầy cưu mang. Cho mỗi người và mọi người. Rất hôm nay.

__________________________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch.

No comments: