Saturday 1 March 2008

“Tình đã chết những mong tình sống lại”

Khi biết lòng anh như đã chết

Mây thôi hồng mà lá cũng thôi xanh.

Mầu hoa tươi cũng héo ở trên cành.

Và vũ trụ thấy một mầu đen tối.

(dẫn nhập từ thơ Thâm Tâm)

Ga 11: 1-45

Tình đã chết, nhưng tin chắc tình anh sẽ sống lại. Sống lại rồi, để tất cả sẽ vinh danh tình của Cha. Tình Chúa Cha, hôm nay được diễn bày thật rõ nét nơi trình thuật về anh La-za-rô. Trình thuật có sự chết. Có tình người sống lại.

Trình thuật hôm nay, là Tin Mừng về sự sống, nỗi chết và sự sống lại. Qui trình sống-chết, là qui trình không ngừng diễn tiến nơi mọi sinh vật, nơi trần thế. Nơi con người. Với muông thú, cùng cỏ cây.

Trình thuật hôm nay, thánh Gio-an viết khởi đầu bằng một khẩn báo, là: La-za-rô, người anh của Mác-ta và Ma-ri-a, bạn thiết thân với Đức Giê-su, nay đã mệt nhiều. Nghe anh mệt nhiều, nhưng Đức Giê-su vẫn cứ ngồi trầm tĩnh, rồi mới giải thích: La-za-rô dù mệt nhiều, nhưng nào đã đi dần vào cõi chết. Đây, là cơ hội để vinh quang Chúa được tỏ bày nơi mọi người. Vinh quang Chúa, nay thể hiện nơi Người Con Thân yêu của Cha. Vì thế, dù thương bạn đang mệt nhiều, Đức Giê-su vẫn bình thản. Trầm tĩnh. Những hai ngày sau, Ngài mới dạy: nào ta đi Giu-đê-a, đến thăm anh.

Thoạt nghe Ngài dạy bảo, các môn đồ liền cảnh báo ngay về những nguy hiểm, đang chờ Ngài. Đó là những đe doạ ném đá. Đe dọa ném đá, là vì các vị thủ lĩnh tôn giáo cứ kích động người dân đi Đạo nổi lên, quyết ám hại. Và đó cũng là lúc, ta có được câu nói để đời, từ Đức Chúa: “Phàm ai đi đứng vào lúc ban ngày, ắt sẽ không bị vấp ngã. Có vấp chăng, chỉ về đêm, khi không có ánh sáng ở với mình.” (Ga 11: 9-10). Bằng vào xác quyết này của Ngài đã ám chỉ: nay đã đến thời của sự sáng. Thời, mà mọi người không còn hãi sợ, dù có đe doạ bị ném đá. Hẳn ta còn nhớ, trước đó Đức Giê-su đã nhất mực tỏ bày: “Giờ Ta chưa đến”. Ngài tỏ bày nhiều lần, để mọi người không còn thôi thúc Ngài ra tay, không đúng lúc.

Nay đã đến thời của sự sáng, tức: thời của những đối đầu chung cục, khó mà tránh. Và, Đức Chúa: “Thầy đi đánh thức anh ấy đây!” (Ga 11: 11) Ở đây nữa, cũng như dân thường, môn đồ Chúa đã lẫn lộn giữa thức và ngủ. Thức – ngủ, ở đời thường. Thức - ngủ, tựa sự chết với sống lại. Thế nên, Chúa nói tiếp: “La-za-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy không có đó để anh em tin.” (Ga 11: 14-15). Thành thử, “nay đã đến thời của sự sáng”, còn là xác định về thời để “anh em tin”!

Với niềm tin sẵn có, em của La-za-rô là Mác-ta bèn thưa: “Có Thầy ở đây, em con đã không chết!” (Ga 11: 21). Lại nữa, cũng từ đây, hậu duệ chúng ta lại có thêm xác quyết để đời khác, từ Đức Chúa: “Thầy là sự sống và sự sống lại. Ai tin Thầy, dù có chết cũng sẽ được sống.”(Ga 11: 25).

Trọng tâm Lời Chúa hôm nay, nằm vào nhận định kiên vững mà Ngài vừa nói. Kiên định và vững chắc đến độ, nếu tiếp tục nghe, người người đều hiểu rõ lập trường của Đức Giê-su về sự chết và sự sống. Với Ngài, sự sống nay đã vượt quá mộ phần. Vượt cả lằn ranh sống - chết. Bởi từ nay, sự sống mới đã khởi đầu. Khởi đầu là khởi từ thái độ sống đối với những ai chấp nhận con Đường Ngài vạch ra.

Chấp nhận con đường sống, là có được thái độ như Mác-ta:“Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến với thế gian” (Ga 11: 26). Lời thân thưa của Mác-ta làm ta trở về nhớ lại mặc khải Chúa ban cho nhiều người, cả người nữ phụ thành Sa-ma-ri, cho chí người hành khất mù ở Ga-li-lê, vào độ trước. Mặc khải ấy, nay lại đã trao ban cho anh em nhà La-za-rô, đại diện dân con của Đức Chúa.

Và khi đó, Mác-ta đã nhận ra, rằng:”Thầy đến rồi!” (Ga 11: 28). Thầy đến rồi, là lời tuyên tín xuất từ tiếng Hy Lạp parousia, chỉ việc Đức Chúa quang lâm, nay hiện diện. Với thánh Gio-an, Thầy đến rồi! và Thầy vẫn đang hiện diện nơi sự sống không có kết đoạn. Việc này, thực sự khởi sắc từ lúc Đức Giê-su đi vào cuộc sống. Của mọi người. Nghe câu nói đó, người chị Ma-ri-a lại đã một lần nhắc khéo Đức Chúa: ”Thưa Thầy, nếu Thầy có ở đây, em con đã không chết!” (Ga 11; 32).

Nghe đến đây, hẳn người đọc nhận ra khía cạnh rất “người” của Đức Giê-su, khi Ngài bật lên thành tiếng lòng, đầy thổn thức. “Thổn thức trong lòng và xao xuyến”, là ngôn từ mà trình thuật hôm nay muốn chứng tỏ: Đức Giê-su, cũng như mọi người, Ngài cũng biết sầu buồn. Cũng cảm thông trước tình huống phàm trần của đàn con thân yêu, khi có người thân thuộc vừa ra đi. Nghĩa là, Ngài cũng cất bước đến mộ phần người bạn thân La-za-rô, để làm cử chỉ tỏ bày tình thân; và để thông truyền một sứ điệp.

Nơi mộ phần đục sâu những đá tảng, Đức Giê-su đã trấn an thân thuộc người quá vãng, bằng một khẳng định: “Thầy há đã chẳng nói: nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Và, sự việc tiếp diễn là để mọi người được thấy vinh quang Đức Chúa, ở với Ngài.

Toàn bộ trình thuật hôm nay, cần đọc và hiểu như một ngụ ngôn Chúa muốn kể: Đức Giê-su chính là Đức Kitô mà mọi người trông đợi. Việc La-za-rô sống lại từ cõi chết, không chỉ vực dậy thân xác con người vừa chết đi, nhưng còn là biểu trưng một cách hùng hồn về cuộc sống mới. Cuộc sống, mà mọi dân con nhà Đạo có lẽ sẽ từng trải. Là, khi tất cả đặt mình nơi quyền uy sức mạnh của Đức Giê-su là Đức Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta. Mọi người sẽ trỗi dậy từ việc chết đi cho những lầm lỡ/lỗi phạm, để rồi đến với sự sống, thấm nhuần tình yêu thương Thiên Chúa.

La-za-rô bước khỏi mộ phần, khiến ta nhớ lại lời lẽ thánh Phao-lô mô tả phép thanh tẩy thời Hội thánh tiên khởi. Vào thời đó, người chịu thanh tẩy đều ở bên hồ, cởi bỏ lớp áo trên người, bước sâu vào giòng nước, tượng trưng chấp nhận chết đi cho lỗi lầm mình mắc phạm, thời đã qua. Cũng giống như Đức Kitô Giêsu vào với sự chết, mang theo Ngài là toàn bộ lỗi phạm của ta. Để rồi, khi lên khỏi mặt nước, (ở đây, phản ảnh việc Đức Giê-su rời bỏ mộ phần), mặc áo tinh trong tượng trưng cho cuộc sống mới, có Chúa ở cùng.

Bằng vào trình thuật hôm nay, thánh Gio-an đưa ta về với bối cảnh Nhiệm tích Vượt Qua. Vào dịp đó, ta cử hành mừng kính tình yêu thương Chúa đã tỏ lộ cho ta, qua mọi sầu buồn khổ đau. Qua sự chết. Và rồi, đạt sự sống lại của Đức Chúa. Kể như thế, thánh Gio-an cũng đưa người đọc về với bối cảnh các dự tòng thời tiên khởi chuẩn bị lĩnh nhận ơn thanh tẩy, đêm Phục Sinh. Kể như thế, còn để giúp ta chuẩn bị mà khởi đầu cuộc sống đích thực với ơn thanh tẩy, ta nhận lĩnh.

Trong thông cảm cuộc Vượt qua thống khổ nhưng hy vọng, ta sẽ hát lời ca ý nghĩa, sau đây:

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi anh?

Em đi tìm mùa xuân trên đời

Mùa đông chết đi rồi mùa xuân

Mắt ta đẹp trời sao

Cho tình mình thương nhớ nhau (Từ Công Phụng – Bây giờ tháng mấy)

Vâng. Đã chết rồi mùa đông đầy lỗi phạm, những giá băng. Để rồi, ta đi vào mùa xuân có thương và có nhớ. Nhớ rằng: tình đã chết nhưng vẫn mong tình sống lại. Sống lại với Chúa. Với mọi người.

_____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá từ Úc diễn dịch

No comments: