Monday 12 May 2008

“Khắp đất trời mới mẻ lạ lùng sao”

Thế giới đẹp như trang hoàng trở lại

Những chiếc lá rụng trong chiều lộng lẫy

Cũng nghiêng mình thủ thỉ lúc ta qua

Và một điều huyền bí được sinh ra.

(thơ Nguyễn Nhật Ánh)

(Ga 3: 16-18)

“Điều huyền bí được sinh ra”, còn là ý nghĩa nội dung mà trình thuật hôm nay muốn gửi đến, với mọi người. Trình thuật thánh Gio-an, một lần nữa, đề cập đến nội dung làm nền của niềm tin ta vẫn có. Nội dung, là tín lý nền tảng nơi Lời dạy, rất khó diễn đạt. Khó diễn tả, bằng ngôn từ. Khó đạt đến, qua vốn liếng tư duy của nhân sinh. Nhưng, nội dung trình thuật hôm nay thôi thúc ta giữ vững niềm tin vào huyền nhiệm Ba ngôi Đức Chúa.

Có sẵn nơi Giao Ước của người Do Thái, cụm từ “huyền nhiệm” trước tiên không qui về những điều tăm tối, khó hiểu. Nhưng, cốt ý nói về những gì trước đây được giấu kín, nay tỏ lộ cho những người sống ở “bên trong”. Nếu Ngài không biểu lộ, ta chẳng tài nào nhận biết được nội dung huyền nhiệm.

Huyền nhiệm Chúa Ba Ngôi là ví dụ, rất điển hình. Qua huyền nhiệm, ta được bảo: Đức Kitô, Ngài vừa là Chúa, vừa là phàm nhân, mang thân phận phàm trần, giống như ta. Đó là nhiệm tích Chúa làm người.

Đáp ứng với huyền nhiệm, người đời thường lãnh đạm, chẳng thiết tha. Quan tâm lắm, cũng chỉ tìm cách tinh giản, hạ thấp những gì khó hiểu nơi nhiệm tích hầu đặt ngang hàng tầm mức của đặc thù nằm lặng im nơi phần sâu thẳm, của tri thức.

Để hỗ trợ lòng hăng say tìm kiếm sự thật, và hiểu thêm đôi chút về Ba Ngôi Đức Chúa, cũng nên cố gắng đào sâu huyền nhiệm theo khả năng Ngài đã ban. Nhưng dù thế, vẫn cứ minh định ngay từ đầu, rằng: ta chẳng có ý đối phó với các mâu thuẫn ngay lập tức. Cũng chẳng tìm cách tin tưởng vào những gì không thể xảy ra. Hoặc cố tình hoá giải công thức 3 = 1.

Lâu nay, người người được yêu cầu hãy tin vào Hữu Thể Huyền Nhiệm, của Ba Ngôi Đức Chúa. Tự thân, đó là quả quyết mà ta không thể khẳng định hoặc chối bỏ, trên căn bản luận lý. Quả quyết như thế, không buộc ta phải cam kết về một Đức Chúa siêu việt, về hình tượng. Nhưng trái lại, hãy khiêm tốn lắng nghe lời kinh mà các linh mục vẫn dâng lên Cha vào mỗi Buổi Tiệc Bẻ Bánh. Lời kinh dâng lên, là các linh mục vẫn thân thưa: Ba Ngôi đồng uy nghi, không phân ly vẫn huy hoàng, Ngài Thiên Chúa duy nhất, chúng con thờ.”

Hay hơn cả, cũng đừng tìm cách cột mình vào mối giây thòng thần học, đầy khúc mắc. Nhưng, cứ để lòng mình đọng lắng trong nguyện cầu với các bài đọc, rất thành kính. Các bài đọc hôm nay, mang tính chú giải hoặc biện luận, khó hiểu. Vì thế, cũng chẳng nên chú tâm vào các giới từ ở thể hỏi đáp, như: Là gì? Tại sao? Cách nào?…Tốt hơn hết, nên theo cách thiết thực, mà sờ chạm vào Bản vị của Ba ngôi Đức Chúa. Đấng luôn hiệp thông, tương quan với chúng ta.

Tín thư của các bài đọc hôm nay, muốn nói lên rằng: Đức Chúa của ta, Ngài không ở đâu xa. Ngài không là các ông “ngáo ộp” chỉ nuốn nhảy bổ vào mình, mỗi khi ta phạm lỗi. Tín thư về Ba Ngôi Đức Chúa, thật ra kinh thánh muốn nói: Thiên Chúa, Ngài là Đấng gần gũi bên ta. Ngài chăm nom săn sóc mỗi người chúng ta, từng chút một.

Bài đọc thứ nhất từ sách Xuất Hành, Môsê được bảo cho biết: Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, vẫn nén cơn tức giận, giàu lòng nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34: 6). Ta cần lắng nghe lời Ngài căn dặn, mỗi khi có khó khăn, gian khổ.

Những năm về trước, nhiều người rủ nhau xem phim “E-va, ba bộ mặt”. Truyện phim kể về một người đàn bà có ba cá tính khác biệt, nhập chung trong một nhân vật. Trên sân khấu cổ điển La - Hy, người ta vẫn có thói quen cho diễn viên đeo mặt nạ ngõ hầu diễn tả một cách sâu sát hơn diện mạo của nhân vật, mình thủ vai. Kịch nghệ Trung Hoa, cũng có thói quen bôi vẽ lên mặt tài tử bằng nhiều mầu sắc, mỗi khi họ diễn xuất. Tiếng La tinh, ta gọi đó là persona – Bản vị. Với Chúa, ta có thể nói: Ngài có ba Bản vị, tức Ba Ngôi, trong cùng một tính cách của Đức Chúa. Với ngành kịch nghệ, mỗi vai trò/bản vị chỉ kéo dài suốt buổi diễn, cho đến khi hạ màn là chấm dứt. Nhưng với Chúa, Ba Ngôi Vị vẫn cứ dính liền, không ly tán. Không nhạt phai.

Cũng nên xét đến các Ngôi Vị của Đức Chúa, diễn bày trong Kinh Thánh:

Chúa Cha. Theo truyền thống người Công Giáo, Giao Ước nói về Chúa như người Cha. Ở đây, ta hiểu rằng: Kinh Thánh không phân biệt giới tính của Thiên Chúa. Chính vì thế, ngày nay có người còn coi Thiên Chúa như Mẹ Hiền Phúc Hậu. Ở cả hai trường hợp, ta vẫn nhận thấy Chúa chính là Đấng Có từ buổi đầu. Ngài là Nguồn Gốc. Là, Đấng Duy Trì Bảo Quản Sự Sống của tất cả mọi sinh vật, đang hiện hữu.

Sách Tông Đồ Công Vụ, có đoạn viết: “Nơi Ngài, ta được sống, được chuyển động và có mặt bằng Bản vị chủ thể.” Nhưng Thiên-Chúa-là-Cha, không phải là con rối động đậy ở trên cao, chín tầng mây mù mịt ấy. Ngài chính là Đức Chúa cùng chung cơ ngơi, vẫn ở cùng. Ta vẫn kiếm ra Ngài ở mọi nơi. Với mọi vật. Mọi vật do Ngài dựng nên, vẫn duy trì bản thể. Từ vật mọn đơn thuần, cho chí hữu- thể-làm-người đầy sáng tạo. Cùng với tổ phụ Môsê, ta xin thưa: “Lạy Chúa, xin Người cùng đi với tôi.”

Chúa Con. Nếu bảo Thiên Chúa là Cha, thì cũng phải nói Người Con duy nhất của Ngài chính là Chúa Con. Chúa Con, cùng Bản Thể. Một Ngôi Vị. Là, Đấng Nhập Thể làm Người, Ngài mang thân phận “Người”, nhưng không có nghĩa là nam nhân, hay nữ giới. Như Kinh Tin Kính khởi đầu viết bằng tiếng La-tinh nhấn mạnh “et homo factus est” – Bản Thể Người.

Ta biết được “Chúa Con”, ngang qua Đức Giê-su, Con của Đức Maria. Nơi Ngài, ta có được tổng hợp thiên tính và chất người phàm trong cùng một Ngôi Vị. Sự Thật này, vượt quá sức hiểu biết như chính Ba Ngôi Đức Chúa. Chỉ cần tin.

Đức Giê-su là món quà tặng rất quý cho con người. Bởi, nơi Ngài, ta có được một phần mặc khải về tính cách hạn chế của người phàm mà Đức Chúa chấp nhận mặc lấy cho Ngài. Tín thư thần thánh bộc lộ cho ta biết về tình Chúa yêu ta, mà thánh Gio-an ghi rất rõ trong trình thuật hôm nay: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3: 17).

Chúa Thánh Linh. Thiên Chúa dựng lều ở với con người qua Ngôi vị Chúa Thánh Linh. Thánh Linh, được diễn tả bằng ngôn từ thần học như tình thương yêu vô tận giữa Chúa Cha và Người Con của Ngài. Lại nữa, không thể nói về Ngài mà không nói về Tình Yêu, không giới tính. Trên thực tế, Thánh thần Chúa chính là Đức-Chúa-dựng-lều-ở-cùng-chúng-ta, nơi mọi vật. Và, Ngài tỏ lộ chính mình Ngài qua việc “ở-cùng” ấy.

Nơi nào có sự thật, tình yêu hoặc chân-thiện-mỹ dù nơi thiên nhiên hay con người, ở đó có Thần Linh Chúa. Mỗi tác động của sự thật và vẹn toàn, mỗi động tác của tình yêu hoặc lòng xót thương, mỗi cử chỉ cảm thông, kết đoàn, của tha thứ, đón nhận và công minh, chính đó là thần Linh Chúa tác động trong ta, và ngang qua ta. Và, mỗi khi động tác này kéo dài, chính đó là dấu hiệu mọi người đang có ảnh hưởng tác động của Thánh Thần Chúa.

Cảm nhận được điều đó, thánh Phao-lô đã nhắn nhủ Hội thánh Chúa ở Cô-rin-thô: “anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em. (2Cr 13: 11). Và rồi thánh nhân, kết thúc lời lẽ tâm tình ấy bằng lời cầu và chúc tụng cùng Chúa Ba Ngôi: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.” (2Cr 13: 13).

Cùng mọi người, ta hãy ngợi ca Tình Chúa Ba Ngôi, nguồn yêu thương của người, của mình:

“Tôi còn yêu, tôi cứ yêu! Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!

Tôi còn yêu mãi … mãi mãi. Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người

Tôi còn yêu ai. Cho dù ai xa lánh tôi. Cho dù ai oán trách tôi

Cho dù duyên mới đã chắp nối Cho tình xa vời, đã tan vỡ rồi.

Tôi còn yêu hoài. (Phạm Duy – Tôi còn yêu tôi cứ yêu)

Vâng. Tôi còn yêu. Vẫn cứ yêu. Yêu, như Chúa hằng yêu tôi. Yêu người. Dù ai có lánh xa. Oán trách. Không còn yêu. Dù, “đất trời mới mẻ, rất lạ”, thì “điều bí hiểm được sinh ra”. Đó chính là Tình Yêu của Ba ngôi Đức Chúa. Tuy rất lạ. Nhưng vẫn yêu ta.

___________Lm Phan Đỗ thục Linh

MaiTá diễn dịch.

No comments: