Saturday 31 May 2008

“Lòng bâng khuâng bối rối, trước khúc quanh”

Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá,
Nhưng lòng anh đã bình thản lại rồi
Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi
Niềm uất hận của một thời lạc lối
(thơ Thâm Tâm)

(Mt 9: 9-13)

Bâng khuâng bối rối, là tâm tình của nhà thơ, trước khúc quanh. Khúc quanh đời mình với nhà Đạo, cũng chẳng làm ai bối rối, vẫn quyết tâm. Quyết theo Chúa, như Mát-thêu-người-thu-thuế, đã diễn tả ở Phúc Âm. Hôm nay.

Phúc Âm hôm nay, kể về việc Chúa gọi người thu-thuế-mang-tên-Matthêu. Phải chăng, đây là Mát-thêu-thánh-sử nhiều người mến? Các nhà chú giải đương đại, lại nghĩ: Tin Mừng hôm nay được viết bằng ngòi bút của tác giả ẩn danh, thời các thánh. Theo truyền thống, tác giả nào nổi danh viết điều gì, sẽ được gắn tên mình lên bài viết/tác phẩm ấy. Ở Tin Mừng Mác-cô và Luca, vị ấy mang tên: Lê-vi.

Dù có là ai khác, khúc quanh cuộc đời nơi Lê-vi hay Mát-thêu-người-thu-thuế, nói lên một chuyện không ai ngờ trước. Như đoạn văn/thơ nơi bài đọc một: “Ta phải ra sức nhận biết Chúa, như hừng đông mỗi ngày xuất hiện. Người đến, như mưa rào, mưa xuân tưới gội đất đai.” (Hs 6: 3). Ngày giờ Chúa đến gọi, vẫn bất ngờ là thế. Nhưng, Mát-thêu-thu-thuế vẫn luôn sẵn sàng, khi Ngài gọi.

Là dân thu thuế, Mat-thêu bị xã hội Do Thái luôn coi rẻ. Vào thời của Chúa, những người như thế còn bị ghét bỏ/tẩy chay vì đã phục vụ đám thực dân người La Mã, ở bên trên. Bởi thế, họ vẫn bị người đời coi như đã bội phản dân mình. Phản cả Đạo Chúa.

Thực dân La Mã có thói quen tính sưu cao thuế nặng rồi bổ lên đầu lên cổ người dân đen. Họ thường thu nhiều hơn cả số thuế mà đám thực trên dân đòi hỏi. Thu nhiều hơn, hầu có của dư của để mà sống cuộc đời thoải mái qua sai biệt. Sai biệt ấy, họ coi như thù lao mình được quyền. Thành thử, đám người thu thuế ở Do Thái vẫn kiếm bổng lộc phụ trội, thành thói quen tham nhũng, với mãi lộ.

Tham ô/nhũng lạm bị toàn dân ghét bỏ, là chuyện dễ nhận thấy; nhưng ở đây, Chúa vẫn mời gọi những người này cất bước ra đi theo chân Ngài, để giảng rao. Hãy tưởng tượng, Mát-thêu-thu-thuế ngỡ ngàng đến độ nào khi ông được Chúa đích danh, chào mời. Đây là mô hình tuyệt hảo, cho thấy tầm nhìn của Chúa vượt mọi khuôn đúc cấm kỵ, vẫn hằn in bên trong tâm khảm người đương thời. Đây là bài học ta cần biết đến để rồi đừng đánh giá thấp các thiếu xót/ lỡ lầm của con người. Lỡ lầm và thiếu xót ấy, Mát-thêu-thu-thuế đã biết bỏ lại, hầu bước theo chân Chúa, trọn niềm tin.

Bài đọc hai, thánh Phao-lô nói nhiều về niềm cậy trông/tin tưởng của Áp-ra-ham nơi Đức Chúa. Cậy trông - tin tưởng, cả khi ông biết mình đã già nua/tuyệt vọng trong ao ước có con nối dõi tông đường. Thánh nhân viết: “chính nhờ niềm tin, ông đã vững mạnh và tôn thờ Thiên Chúa” (Rm 8: 20). Và, Mát-thêu-thu-thuế không những đã bước theo chân Thầy, mà còn: “dùng bữa tại ngôi nhà.” Dùng bữa tại nhà, có các môn đệ và đám thu thuế khác, cùng ngồi ăn.

Tại ngôi nhà, là nhà của ai? Có thể, nhà ấy là nhà của chính Mát-thêu-thu-thuế. Cũng có thể, là nhà của ai đó Chúa nán lại. Cũng có khả năng, nhà đây chính là nhà của Đức Chúa. Tại ngôi nhà, là cụm từ thường lặp đi lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng Nhất Lãm. “Ngôi nhà”, là nơi Đức Chúa cùng với nhóm môn đệ và nhiều người khác, đã ngồi lại để cùng ăn. Ngồi lại và cùng ăn bên giường của Ngài, hầu nghe và nhận thức điều cần biết. Cùng ngồi và cùng ăn, để được Ngài chữa lành. Đây là khuôn vàng thước ngọc, mà cộng đoàn Hội thánh luôn nhắm đến cùng một mục đích.

Nhìn cộng đoàn dân Chúa cùng ăn và cùng ngồi, nhiều “đấng bậc” Pha-ri-sêu tỏ ra rất bất mãn. Họ bèn vấn nạn: “Sao Thầy lại cứ ngồi mà ăn với bọn người-thu-thuế, quân tội lỗi thế?” (Mt 9: 11). Hỏi, là có ý bảo rằng: nếu Ngài là Đức Chúa và bậc Thầy, sao lại giao du với phường “giá áo túi cơm”, thiếu đạo đức như thế? Giao du gần gũi, Thầy đâu ngại lây lan những tật bệnh. Hơn thế nữa, Thầy vẫn dùng của ăn/thức uống ở những nơi Ngài lưu lại, trú chân. Những nơi, mà sự thường chẳng vị nào dám mời phường tệ lậu như thế.

Và, đáp ứng của Đức Giê-su luôn qui về lời lẽ ghi trong Cựu Ước. Ở đây, là lời tiên tri Hô-sê được ghi trong bài đọc: “Ta muốn tình yêu chứ không cần của lễ; muốn được người nhận biết, hơn lễ vật toàn thiêu.” (Hs 6: 6).

Dùng ngôn-từ thời đại hôm nay, hẳn tiên tri Hôsê sẽ nói: lễ lạy, kiệu rước kinh kệ sẽ chẳng có giá trị gì; trừ phi ở đằng sau, chứa đựng một hiểu biết, rất đích thực. Hiểu rõ ý định của Chúa. Biết chắc con Đường Ngài đang đi. Rồi từ đó, đón nhận Thiên Chúa hết lòng mình. Hiểu biết và thực hiện động tác yêu thương giùm giúp các người anh người chị đang mỏi ngóng trông chờ ta kêu mời, như Đức Chúa.

Đáp trả như thế, Đức Giê-su đã đích danh chỉ trích đám Pha-ri-sêu tự phụ, nặng hình thức. Ngài đem đến cho họ, tầm nhìn mới có viễn tượng hoàn toàn khác biệt. Việc họ cần bàn, không là chuyện Ngài có bị lây lan thói tục của người ô uế - rất tội phạm, hay không. Nhưng đúng hơn, chính họ mới là người cần được chữa lành bằng sự hiện diện, bằng ảnh hưởng của Ngài. Họ cần, để rồi tâm can mình sẽ ngập tràn tình thương yêu đích thực. Thương yêu tha nhân. Giùm giúp mọi người.

Bởi, những ai biết quan tâm đến người khác, sẽ luôn tìm phương cách để hỗ tương giùm giúp các thiếu hụt mà người anh người chị của mình, đang chịu nhiều cay đắng, với khổ đau. Chính vì thế, Chúa đã có câu nói để đời: “Người đau ốm tật bệnh mới cần thầy thuốc” (Mt 9: 12). Quả thật, chính những người như thế mới cần có Chúa ở sát bên. Mặt khác, chỉ những ai thiếu thốn về mặt tâm linh/đạo đức mới mong Chúa dành thì giờ quây quần, ở bên họ.

Bài đọc hôm nay, là một bài học hữu ích cho thế giới đương đại. Đã nhiều lần, ta từng nghe thiên hạ xầm xì vấn nạn, khi Chúa chỉ chọn lựa mỗi giới tầm thường thấp bé làm bậc thủ lĩnh trong Đạo, như: linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân ngoan, mà thôi. Nhìn vai vế “lý lịch” của Nhóm Mười Hai, sẽ thấy các thánh đều thuộc thành phần nông dân/thuyền chài - văn dốt/võ rát, hơn ai hết. Các thánh, là những người thường ngay như ta cũng chẳng hề ngó ngàng, bận tâm đến.

Biết bao tụ điểm thị thành nơi ta sinh sống, là những nơi mà đa số dân con đi Đạo thường không muốn bén mảng. Có người còn viện cớ chủ trương: nơi đó không thích hợp cho người dân ngoan hiền đi Đạo, giống như ta. Rồi vì thế, mọi người đều vẫn mong né tránh.

Cứ thử hỏi, Đức Chúa có hiện diện nơi xí nghiệp/công sở ngập đầy những người vô thần, chẳng tin một ai? Ở nơi có nghiện ngập/hút sách, có chốn ăn chơi/phòng trà, dành riêng cho kẻ vô gia cư, thất nghiệp, cô đơn và lẻ bóng. Nếu Chúa vẫn xuất hiện tại chốn thị thành nơi ta sống, ta sẽ gặp Ngài ở nơi đâu? Chốn nào? Nơi giáo xứ, dòng tu hay căn nhà ổ chuột, không ai thích?

Thiết tưởng, hôm nay đây, chắc hẳn Ngài cũng lân la nơi phố chợ đầy mùi hôi, những xú uế. Hoặc, tại phố phường chật chội, lem luốc, chốn người qua? Gặp lại dân đen hôm nay, chắc Ngài sẽ bảo: Ta muốn con yêu thương giùm giúp kẻ không nhà, đang chui rúc đầu đường xó chợ, chứ không mong con đem quà tế lễ, với hiến dâng, đâu!

Nói cách khác, làm dân con đồ đệ, người người phải cất bước đến với nơi nào/người nào cần mình hơn cả. Cần mình, là cần đến để san sẻ yêu thương và giùm giúp. Chứ, không là những người chỉ để thì giờ ra mà sinh hoạt tình tiết, với “lễ nghi”. Dù, có là nghi lễ của nhà Đạo. Hoặc, lễ tiếp tân đình đám ở ngoài đời. Tức là, những người chi li với chấm phết lễ tân, đầy kiểu cách. Là, các vị chỉ biết có nhà thờ, kiệu rước với đọc kinh. Nhưng lại ngủ yên trong niềm tự hào, đầy mãn nguyện. Ngủ yên không bối rối. Chẳng bâng khuâng, hay vấn nạn.

Trung thành nghe Lời Ngài dạy bảo, người người cũng cần được chữa lành. Cần, để cho lòng thương xót trở thành tình tự thân quen, của riêng mình. Lòng Chúa xót thương, cần được chuyển tải - hướng về những ai thật cần thiết. Đó mới là của lễ đích thực, ta dâng tiến. Đó chính là điều Chúa mong muốn, từ chúng ta. Không có lòng xót thương nội tại, việc tham dự Tiệc Thánh sẽ trở thành hành động rỗng tuếch, mất ý nghĩa trọng tâm.

Trong nhận định vững chãi như thế, ta hiên ngang cùng người nghệ sĩ hôm xưa cùng hát:

“Tôi yêu, đi bộ dưới hàng cây

đấu vui với bạn bè

và ly rượu ngon,

tôi yêu, trong nhà nhiều cây lá

tôi yêu, những người già…” (Và tôi cũng yêu em! - Đức Huy)

Và, tôi vẫn yêu em. Dù em tôi có nghèo hèn, tội lỗi hoặc chỉ là dân chích choác. Dù anh, dù chị có là người già - nhiều đau khổ, tôi vẫn yêu. Yêu, như Chúa dạy bảo, mà lòng chẳng “bâng khuâng bối rối, trước khúc quanh”. Những khúc quanh cuộc đời, nơi lập trường. Nơi tư tưởng. Vẫn gần bên.

____________Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

No comments: