Monday 6 October 2008

“Anh đã để tình yêu nay tuột mất”…


Anh đã để ngôi sao bay khỏi cát

Biển xanh êm, mãi chớp sáng vòm trời

Điều có thể, đã biến thành không thể

Biển bạc đầu, nông nổi tưổi hai mươi.

(Dẫn từ thơ Nguyễn Trọng Tạo)

(Mt 22: 1-4)

Tình yêu mà anh còn để mất, thì làm sao anh biến được điều có thể, thành không thể? Dù điều ấy, có là nông nổi tuổi hai mươi. Hay, chuyện mời chào/ới gọi anh dự tiệc cưới. Tiệc cưới, nhà chủ vẫn mải mời. Và vẫn gọi. Nhưng, chẳng ai thèm đến dự. Đó là tình tự, diễn tả ở trình thuật, hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh Mát-thêu kể thêm một dụ ngôn Nước Trời. Câu truyện Chúa mời gọi dân con/người người hãy đến dự. Dự tiệc linh đình, do con ruột Vua tha thiết. Ới gọi/lời mời hôm nay rất chân phương. Rất thân tình, từ Đức Chúa. Nhưng, chừng như chẳng ai buồn bén mảng. Để tâm.

Bài đọc 1, lời tiên tri Isaya, cũng mang ảnh hình về bàn tiệc lớn do Chúa sửa soạn cho dân con của Ngài. Có thức ăn dồi dào. Có rượu ngon ứ trào. Có cả âu sầu, nỗi chết: “Chúa sẽ lau khô dòng lệ, trên khuôn mặt mọi người “ (Is 25: 8). Và, mọi người nhận ra sự vui mừng, “vì được Ngài cứu độ”.

Ở dụ ngôn, Vua cha sai đầy tớ ra đi thỉnh cầu quan khách, ám chỉ hàng hàng lớp lớp ngôn sứ được sai đến với muôn dân. Ra đi, kêu gọi mọi người hãy thương yêu, đi vào phục vụ. Và, Đức Chúa kể tiếp: “nhưng bọn họ chẳng chịu đến”. (Mt 22: 3)

Để rồi, nhiều đầy tớ khác được tiếp tục sai đi, với lời dặn: “Hãy thưa cùng quan khách: cỗ bàn ta đã dọn. Mọi sự nay sẵn sàng. Xin đến dự.” (Mt 22: 4). Lời Chúa luôn mang tính cấp bách. Khẩn trương. Mỗi khi Ngài mời ai? làm gì? bao giờ cũng mong ta đáp ứng, trong hiện tại. Rất đúng giờ. Bao giờ Chúa cũng mời tham dự Tiệc thánh Nước Trời. Nhưng, người được mời cứ dửng dưng. Chẳng hề bận tâm.

Đáp ứng lời mời của Chúa, người đời thường chọn hai phương cách: hoặc, quá bận với chuyện phàm trần. Hoặc, bắt giữ sứ giả được gửi đến, “để làm nhục và giết đi” (Mt 22: 6).

Vấn đề đặt ra hôm nay, là: ta thuộc lớp người nào ở hai phương cách trên? Và, hôm nay, ta có bịt tai tảng lờ như không nghe tiếng Chúa? Tảng lờ, vì còn nhiều thứ phải bận tâm. Nhiều thứ để lo toan, tính toán? Hoặc, ta chỉ để ý những chuyện gì khả dĩ bảo đảm cho ta niềm hạnh phúc, rất đời thường?

Và, Chúa kể tiếp: “Nhà vua nổi cơn thịnh nộ, sai quân tru diệt bọn sát nhân và thiêu huỷ thành phố của chúng.” (Mt 22: 7). Đoạn này hoàn toàn không có trong truyện, nhưng do thánh sử viết thêm vào, là để ám chỉ hành động của đế quốc thực dân La mã đã phá huỷ đền Giê-ru-sa-lem, năm 70. Cũng nên nhớ, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chỉ xuất hiện vào niên biểu trước sau 85, thôi. Điều này chứng tỏ: cả hôm nay, người ta vẫn tìm cách giam giữ, hành hình, hãm hại và giết đi các ngôn sứ của Chúa.

Bị chối từ, nhưng nhà Vua vẫn cả quyết: “Tiệc cưới đã sẵn!” Sẵn ở đây, hàm ngụ một điều: đáp ứng lời mời của Chúa, là chuyện luôn khẩn thiết. Bởi thế, đầy tớ Chúa được sai đi, không phải để đến với người giàu, đáng quý trọng; mà là, kẻ đầu đường xó chợ, chẳng xứng đáng. Họ là những người tiêu biểu ở phố chợ, miền Trung Đông. Nơi tập trung, phường “giá áo túi cơm”, toàn tội phạm. Tất cả, đều được mời gọi. Xấu tốt, không loại trừ. Cho đến khi nào phòng tiệc đầy ứ, những người. Mới thôi.

Ở đây nữa, không có chuyện “dân được tuyển”, người ở ngoài. Không có chuyện giáo dân hạng thứ. Người tốt lành. Dĩ nhiên, giáo xứ nào nhiều người công chính, tốt lành, vẫn rất quý. Nhưng, không vì thế mà quên đi việc chuyển tải tình thương yêu của Chúa, với hết mọi người. Đó mới đích thật là Giáo hội Công giáo. Đạo của chung.

Dầu sao nữa, phần cuối dụ ngôn xem ra có vẻ mâu thuẫn với điều ta vừa nhận định. Thậm chí, thiếu công minh. Khi đã có nhã ý mời hết mọi người đến dự tiệc, sao lại thắc mắc chuyện có người không ăn vận cho tề chỉnh, áo tân hôn? Thật ra, đây vẫn là thành phần văn bản chính thức, một lời dạy. Lời dạy rằng, lãnh đạo người Do Thái vẫn bài bác Đức Giê-su. Người dân thường, lại được mời. Tuy nhiên, chỉ có mặt ở buổi tiệc thôi, vẫn không đủ. Dự tiệc Chúa mời, người người vẫn cần ăn mặc cho phải phép. Để tỏ lòng tôn trọng người anh em thực khách, cùng đến với mình.

Thực tế cuộc đời, mọi người đều được mời đến với Hội thánh, đang mở rộng vòng tay ôm. Cả những người đã và đang phạm lỗi. Và Hội Thánh, vẫn kỳ vọng người đến với mình, có cố gắng sám hối. Cố gắng hồi hướng, trở về. Cộng đoàn, sẽ không thể chấp nhận thái độ của những người vẫn cứ đến, nhưng chẳng mảy may thay đổi cách sống hoang tàng, bê bối. Chẳng nể vì. Làm thế, thật chẳng xứng.

Còn nhớ, ở các đoạn Tin Mừng khác, Đức Giê-su đích thân ra khỏi đường lối của riêng Ngài, để trở nên thân thiện với phường thu thuế, giới bê tha, đầy phạm lỗi. Làm như thế, không có nghĩa là Ngài chấp nhận phong cách “đắm chìm trong phạm lỗi, sống ngoài rià”; nhưng đây là phong cách kêu mời người phạm lỗi biết hồi hướng, đổi thay, như Ngài từng nói: “Niềm tin đã cứu chị. Hãy đi đi, và đừng lỗi phạm nữa.”

Và, trình thuật kết thúc bằng một nhận định hơi bi quan, khắc nghiệt, nhưng đúng thực, là: “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.” (Mt 22: 14). Nhận định chỉ muốn nói lên sự thực nghiệt ngã: Hội thánh kêu gọi mọi người chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa bằng chính cuộc sống, của riêng mình. Nhưng quá ít người đáp ứng, kinh qua kinh nghiệm ấy. Người người hầu như chỉ kiếm tìm hạnh phúc nơi giàu sang, với vui thú thân xác, bạc tiền, thôi.

Thật ra, “y phục ngày cưới” nói ở dụ ngôn, ám chỉ thực khách đến dự, được khoác lên mình Đức Kitô. Khoác như thế, tức là đã ngang qua nhiệm tích thanh tẩy, được tiếp cận bàn tiệc của Đức Chúa. Và, lớn lên mặc lấy cho mình áo dự tiệc trinh trong, có tinh thần và lời dạy của Đức Giê-su, đang đợi chờ. Điều này chứng tỏ, đang có cuộc sống đổi thay biến từ từ, dưới tầm ảnh hưởng của Đức Giê-su trong tương quan với cộng đồng các kẻ tin.

Vấn đề, là: ta thấy thế nào về lời mời của Chúa? Đây có phải là ân sủng, là chúc phúc hoặc là gánh nặng đầy phức tạp? Ta đáp ứng thế nào?

Thêm nữa, trong suy tư nguyện cầu Lời Chúa, có lẽ cũng nên tự hỏi lòng mình đã gìn giữ áo mặc dự tiệc có sạch trong? Và, mình cảm kích thế nào, để đáp ứng tình thương yêu phục vụ của Đức Giê-su? Với cộng đoàn của Ngài? Có nên xem lại thái độ và hành xử của mình có xứng hợp với lời dạy của Phúc Âm? Ta vẫn khoác áo cưới dự tiệc như thường, nhưng vẫn gian dối? Hoặc, đây có phải là lúc thích hợp để ta khoác lên mình chiếc áo trinh trong ngày cưới, một lần nữa không?

Và cuối cùng, cũng không nên quên rằng: dù thành viên Hội thánh được kỳ vọng kêu mời đóng góp cho cuộc sống chứng tá của mình, ơn tha thứ của Chúa và của Hội thánh vẫn luôn mở rộng đón ta, nếu ta có đi trệch đường.

Bài đọc hôm nay, còn minh chứng Chúa vẫn dành nhiều thứ quý giá cho mỗi người. Dù quá khứ của ta có thế nào đi nữa, ta vẫn được mời đi vào bàn tiệc của Chúa. Nhưng, dù được mời, ta vẫn không thể coi đó như chuyện nhưng-không, dễ dàng. Ở đây không có chuyện tự mãn, hay ngạo mạn. Thái độ này, còn nguy hiểm hơn những người tự cho mình tầm thường, thấp kém, ít đạo hạnh, chẳng đạo đức/tốt lành. Nếu tự mãn, kiêu căng, thì chính ta mới là người bỏ cuộc nơi bàn tiệc, chứ không phải Chúa.

Tham dự Tiệc Lòng Mến hôm nay, ta cầu mong cho mọi người luôn giữ gìn “áo dự tiệc” được trinh trong, thẳng nếp. Cầu và mong ta trở thành đồ đệ thân thương biết lắng nghe và thực hiện lời Chúa dạy. Cầu và mong cho mọi người anh em, ta luôn giữ niềm tin – yêu trong sáng. Có tinh thần thân thương phục vụ. Có trách nhiệm với mọi thành viên trong cộng đoàn của Chúa.

Cầu như thế, ta cứ vui tươi trong sáng, hát vang lên những lời ca đầy cảm kích, ở mọi thời:

Ngày mai em đến,

xin mặc áo lụa vàng,

nghe em hãy nhớ.

Quê hương anh đó,

đang cần đến tình người,

đang cần đến nụ cười.

Cho tâm hồn nghỉ ngơi. (Phạm Thế Mỹ - Áo lụa vàng)

Lụa vàng, màu áo em vẫn mặc khi dự tiệc. Tiệc cưới năm xưa, hay tiệc thánh hôm nay Chúa vẫn đợi. Đợi em. Đợi cả anh đến. Cho tâm hồn nghỉ ngơi. Cho tình người thêm nụ cười. Nụ cười hôm nay, “anh chẳng còn sợ tình yêu tuột mất”. Vẫn biến điều không thể, thành có thể. Bởi, với tình yêu của Chúa, của cộng đoàn, tất cả không còn “nông nổi tuổi hai mươi”. Nhưng, đã chững chạc. Thành người của Chúa.

____________Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

No comments: