Sunday 19 October 2008

Mau với chứ ! Thời gian không đứng đợi.

Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa,
Nắng mọc chưa tin, hoa mọc không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết!

(dẫn từ thơ Xuân Diệu)

(Mt 22: 34-40)

Nếu thánh Âu tinh là người Việt, thì khi ấy chắc ngài cũng làm thơ. Thơ tình. Thơ Đạo. Hay tuyệt tác. Dễ mê. Và, thơ của thánh nhân sẽ đầy từ yêu đương như thế này: Hãy yêu đi, và cứ làm những điều em rất muốn.” Nếu thánh Mát-thêu là người mình, hẳn thánh sử cũng sẽ kêu gọi mọi người, hãy biết yêu. Yêu Chúa. Yêu người. Rất tràn đầy. Dễ nhớ. Như trình thuật ngài viết, buổi hôm nay.

Trình thuật hôm nay, hằn in dấu ấn nơi tâm trí người nghe, và người đọc. Mấy tuần rồi, theo dõi trình thuật của thánh sử, ta thấy Chúa chịu thách thức, từ mọi người. Hết lãnh đạo Do Thái, rồi nhóm người Sa-đốc, nay lại những Pha-ri-sêu. Rất đối đầu. Hỏi han. Hỏi han, vì Pharisêu là nhóm tư tế, hay hỏi han thắc mắc, về luật. Hôm nay họ hỏi: Thưa Thầy, trong sách Mô-sê, điều răn nào trọng nhất?” (Mt 22: 34)

Trong 600 điều luật nguời Do Thái, nhiều khoản gói ghém mọi chi tiết, cần tuân giữ. Nhưng, câu mà nhóm Pharisêu hôm nay hỏi, lại đi thẳng vào trọng tâm vấn đề: về tương quan giữa Chúa với dân con. Câu hôm nay, tóm gọn những điều mà toàn bộ lề luật, muốn đề cập.

Thông thường khi được hỏi, Đức Giê-su vẫn đặt lại câu hỏi, thay cho trả lời. Hôm nay, Ngài trả lời ngay vào vấn đề: Ngài trích dẫn không chỉ một luật, mà là hai. Trước hết, trích dẫn sách Đệ Nhị Luật, Ngài nói: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Đức Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và trí khôn”. Và, Ngài lại tiếp: “Đó là điều răn lớn, giới răn thứ nhất”

Nghe thế, người theo Chúa không thấy có vấn đề gì để phản chống. Nên, Ngài tiếp: “Thứ đến, cũng giống điều ấy: ngươi phải yêu mến người đồng loại như chính mình.”(Mt 22: 38-40). Với người nghe, ta thường xem lời dạy trên chỉ là đòi hỏi thứ yếu. Và, ta hiểu ý nghĩa của cụm từ “người đồng loại” cũng hạn hẹp. Như truyện “người Samaritanô hiền” ở Tin Mừng Luca, Chúa đã cho thấy người đồng loại là ai. Người ấy, hôm nay, khác với ý của Ngài nêu ở trên.

Hôm nay, bận tâm của Chúa là về con người, chứ không chỉ về kính thờ Đức Chúa như được tỏ bày ở bài đọc 1, sách Xuất Hành. Nơi sách này, lòng xót thương, thiện cảm được chứng tỏ qua thái độ cho khách lạ ngụ cư, biết thương yêu bà mẹ goá, với con côi: “Nếu ngươi ức hiếp nó, và nó kêu oán lên Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu.” (Xh 22: 21).

Điều Chúa nói, tuân giữ lề luật ở Cựu Ước thôi, chưa đủ. Chúa nối kết hai giới răn chung làm một, không tách rời. Như Tân Ước quả quyết: ta không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người anh người chị của mình. Bởi, không thể chỉ nói tiếng yêu thôi là đủ. Mà còn phải tiến xa hơn. Không thể đến với Chúa ngang qua người khác. Nhưng, biết tìm đến và yêu Chúa nơi họ, như đã viết: “Những gì các ngươi làm cho người anh em hèn mọn này, là các ngươi làm cho chính mình Ta”(Mt 25: 40)

Như đã rõ, Đức Giê-su đồng hoá Ngài với người đói khát, trần truồng. Kẻ ốm đau/bệnh tật và các tội phạm trong lao tù (bất kể tù về tội gì). Và, Chúa tự đồng hoá Ngài với những ai đang cần đến tình thương yêu và lòng thương xót. Khi xưa, Ngài thương xót người phong cùi. Thì nay, Ngài thương người bệnh Liệt kháng, rượu chè, ma tuý, vô gia cư, và người bị ruồng bỏ. Cả, lớp địch thù, luôn đe doạ Ngài, nữa.

Giới răn yêu Chúa và mến người đồng loại, thật ra không phải là giới răn duy nhất, đích thực. Yêu thương mến mộ, sẽ không là thương yêu/mộ mến nếu việc ấy không hoàn toàn tự do, và bộc phát. Điều Chúa đề nghị, không chỉ là giới răn hoặc luật lệ qui định, nhưng là trọn vẹn phương cách sống cuộc đời mình đang sống; và, sống với mọi người, mà ta thường tương giao.

Thật ra, Lời Ngài chỉ là giới răn duy nhất nhưng gồm hai việc, không thể tách rời. Cụm từ chính, vẫn là “tình thương”. Về tình thương, thực ra trong đó có ba mối tình: tình Chúa, tình người và tình mình. Ttình Chúa là cội nguồn của sự sống, muôn người. Luôn đến trước. Sau đó, mới là tình người. Đến rất tự nhiên. Tự nhiên, vì là nơi chốn Chúa ngự. Và bởi, người khác là đối tượng của tình Chúa. Nên, họ còn là đối tượng của tình mình, nữa. Và sau cùng, mới là tình mình. Vì, chính mình cũng đáng được thương.

Tuy nhiên, để tháp đặt các tình này cách hữu hiệu, có lẽ ta cũng nên thay đổi thứ tự, cho chuẩn: đó là tình mình đi trước, tiếp đến là tình người và cuối cùng, là tình Chúa.

Theo cách thức nào đó, tình căn bản nhất vẫn là tình mình. Bởi, như Chúa nói ở trình thuật: “Hãy yêu người đồng loại, như chính mình.” Nghe vậy, có người sẽ nghĩ: đây là giới răn không cần thiết. Và mâu thuẫn, bởi một đằng thì ai mà chẳng yêu chính mình. Nghĩ về mình và lo cho mình. Đằng khác, rất nhiều lần ta vẫn được dạy rằng: không nên tự ái, ích kỷ. Không nên chỉ biết có chính mình. Vì vậy, có nhiều người còn tự ghét mình. Ghét cái “tôi đáng ghét”. Hoặc, không tự tin. Và, cũng có nhiều người chỉ tìm cách làm đẹp bề ngoài mình lên, bỏ ra quá nhiều tiền của cho quần áo, son phấn, ảnh hình, làm kỷ niệm.

Chả thế mà, kỹ nghệ thẩm mỹ tốn hàng tỷ bạc, chỉ để giúp ta tô đẹp chính mình. Nhiều người còn lo toan chạy theo biểu tượng, người mẫu để chứng tỏ là mình “đạt”. Chứng tỏ rằng, mình đang sống ở thành thị. Mua đồ hàng hiệu qua xe cộ, thời trang, đồ dùng. Nhất nhất, được chọn lựa cẩn thận để diện mạo của mình khá hơn mặt thật, của chính mình. Nhưng thật sự, là chính họ đang lo sợ, ở trong lòng.

Tại sao ta phải yêu chính mình? Vì, nếu đã không yêu thương chính mình, thì khó mà thương người. Không thương mình, thì ta sẽ lo không biết người khác có thương mình không. Hoặc, quá lo cho ngoại hình của mình, để được người khác chú ý, thương yêu. Đây mới là vấn đề. Vấn đề là, ngày nay ta quá chú trọng đến cá nhân. Quá tự do. Quá lo lắng về mình. Chẳng đoái hoài gì người khác. Và, điều này ảnh hưởng lên cách hành xử của ta trong cộng đoàn.

Yêu thương chính mình, là chấp nhận những gì mình đã có, từ khi sinh. Cả đặc điểm, lẫn nhược điểm, hoặc cá tính. Chẳng giấu diếm tính xấu của mình. Chấp nhận mình nhưng không phải là không sẵn sàng đổi thay những tính xấu; lắng nghe những ý kiến đóng góp tích cực của người khác. Cũng không phải là cứ khư khư giữ lấy cái tôi, mà đôi khi “đáng ghét” của mình. Một khi đã chấp nhận như vậy thì yêu chính mình, chính là không ngại ngần khi người khác nghĩ về mình. Bởi, họ có nghĩ gì về mình, thì cũng chỉ là vấn đề của họ. Chứ, đâu của mình. Chính vì thế, mình lại càng có nhiều thì giờ, hầu lo cho người khác. Để ý đến những gì người khác cần. Và khi đó, mình có tự do để đến với người khác. Bận tâm đến an lành của nguời khác. Có như thế, mình mới bắt đầu biết yêu thương người khác, như yêu mình.

Và cuối cùng, là tình Chúa. Nếu chỉ biết nói “Lạy Chúa, con yêu Chúa.” thôi, thì là điều dễ làm nhất trên trần gian. Cái khó, là dám nói yêu Chúa, bằng hành động. Khó, là khi mình chẳng có kinh nghiệm gì về yêu đương và đương yêu. Vì, chỉ khi có kinh nghiệm này , mình mới thấy là Chúa đang hiện diện trong các kinh nghiệm về yêu thương, của mình. Như thánh Gio-an nói: “Nơi nào có tình thương yêu, ở đó có Chúa.”

Có như thế, giới răn Chúa đưa ra mới giúp ta đi vào hiện thực. Có như thế, ta mới biết rõ khi có người thực sự yêu ta, lúc ấy đích thực là ta đang có kinh nghiệm về tình Chúa thương ta. Bởi, tình yêu thực sự là cách thức chứng tỏ Chúa đang hiện hữu. Với con người.

Rất nhiều lần, Chúa chứng tỏ Ngài thương yêu ta, ngang qua những người đến với ta. Trong đời. Chúa thương ta, là khi người khác đang có lòng, đối với ta. Và ta chỉ dám nói mình yêu thương Chúa khi ta biết yêu thương người khác.

Như thế thì cuối cùng, không phải có ba thứ tình, mà duy nhất chỉ có một. Đằng khác, điều nên nói ở đây, là: tình yêu không nhất thiết phải là thứ tình đầy cảm xúc. Lãng mạn. Mà là tình yêu, như được nói đến ở bài đọc 1, có mọi người dự phần. Có sự tôn kính, rất sâu sắc. Tình đó, ngang qua cả đến những người hành xử tồi tệ, chỉ muốn hại mình. Đó là thứ tình khát khao mà mọi người đều trải nghiệm về cái tốt đẹp nhất, đối với họ. Đó là cách thức có liên quan đến mọi người. Ngõ hầu giúp họ trở nên người biết chăm sóc giùm giúp. Yêu nhiều hơn.Yêu mình. Yêu người. Yêu Chúa.

Bài đọc 2, thánh Phaol-lô nói với giáo đoàn Thessalonika:”Anh chị em biết đấy, khi ở với anh chị em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh chị em. Còn anh chị em, anh chị em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa.(1Th 1: 5). Đây là cốt lõi của việc tông đồ, rao giảng Tin Mừng của Chúa. Cốt lõi, không ở việc giúp họ trở lại Đạo. Thành người Công giáo. Nhưng, là dẫn dắt họ tìm đến với Chúa, Đấng yêu thương họ. Tìm gặp Chúa, qua yêu thương những người sống chung quanh.

Trong nhận thức như thế, ta hát lên bài ca đầy phấn chấn, thuở nào:

“Đừng sợ bạn ơi, hãy đứng thẳng lên

cuộc đời đang dang tay đón ta

bằng yêu thương ta đi xoá tan mọi căm hờn…” (Lê Hựu Hà – Bài Ca Tuổi Trẻ)

Đừng sợ. Nhưng cứ yêu. Yêu mình. Yêu người. Yêu Chúa. Vì, “tình yêu đến, tình yêu đi ai biết”.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.


No comments: