Saturday 29 November 2008

“Viết trọn năm dài, trên vách đá”

Mây trắng đang xây, mộng viễn hành,

Chiều nay tôi lại, ngắm trời xanh,

Trời xanh là một tờ thư rộng,

Tôi thảo lên trời, mấy nét nhanh.

(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Mc 1: 1-8

Thảo thư viết lên trời, mấy nét nhanh. Xin được hỏi, làm thế có như: thư viết cho người, về đời Chúa có thánh nhân rao giảng, ở hoang địa? Thánh nhân rao giảng, là nay giảng về Tin Vui của Chúa, như trình thuật đề cập, bấy lâu nay.

Trình thuật hôm nay, thánh Mác-cô mở đầu Tin Mừng bằng một ảnh hình về thánh Gio-an, rất Tẩy Giả. Gio-an Tẩy Giả, là đấng thánh chuyên kêu gọi người người chuẩn bị ngày Chúa đến, có lời vàng của thánh Mác-cô, như sau: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1: 1). Chính đó, chuyện thánh nhân muốn hầu kể. Chính đó, Tin Vui thánh nhân muốn rao báo. Điều, mà thánh nhân rao báo, là ở câu cuối trình thuật, khi phạm nhân ngoài Đạo, đã giác ngộ: “Đích thật, Người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15: 39).

Trình thuật, nay diễn tả: việc Chúa đến kiện toàn điều đã viết trong Cựu Ước, qua Isaya: “Tiếng của người hô trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa đi.” (Ys 40: 3). Rõ ràng, “tiếng của người…” là tiếng của Gio-an Tẩy Giả. Viết về Đức Giê-su, là “Chúa”. Là, Đấng người người chuẩn bị để đón chào.

Bản thân vị ngôn sứ, chỉ muốn nói về việc con dân Do Thái, từng lưu lạc bên Babylon, nay đã trở về. Gốc nguồn sự việc, là đoạn văn cổ nói lên việc Chúa cứu thoát con dân Ngài. Nhưng ở đây, thánh Máccô trích dẫn lời vàng Kinh Sách, là chỉ về thánh Gio-an từng cổ võ việc chuẩn bị dọn đường để Chúa đến, với nhân trần.

Chẳng còn ngờ vực gì nữa, Gio-an Tẩy Giả là đấng thánh rất uy tín. Ông có sức khuyến cáo, dẫn dụ quần chúng đến mà nghe. Đời thánh nhân, là hình ảnh của ngôn sứ Elia, trong hiện tại. Cũng phục sức nhiệm nhặt. Đơn giản. Cũng ăn kiêng. Sống chừng mực. Nhất nhất, nói lên tính chất tinh tuyền trong nghi thức. Tính chất, là tính chất của cuộc sống nơi sa mạc. Chốn hoang sơ.

Với Thánh Kinh, sa mạc/hoang sơ mang ý nghĩa rất đặc biệt. Đây, là chốn thánh thiêng, nơi mọi người đến để gặp gỡ Chúa. Sa mạc, còn là đất miền, ta can trường chiến đấu. Ở nơi đó, có dân hiền lưu lạc những 40 năm, tìm về đất hứa. Ở nơi đó, có cuộc khẩu chiến giữa Đức Chúa và ác thần/sự dữ. Và, cũng ở nơi đó, Đức Giê-su thường xuyên đi vào chốn vắng, những nguyện cầu. Đó, còn là nơi Ngài dưỡng nuôi dân con mọi người, bằng Lời Chúa.

Chính nơi đây, ta biết là: “Mọi con dân từ khắp miền Giu-đê-a và từ Giê-ru-sa-lem” kéo đến, để nghe ông (Mc 1: 5). Chính nơi đây, thánh nhân đã tổ chức nhiều cuộc thanh tẩy, biểu trưng việc dân con hồi hướng. Sám hối. Có quyết tâm. Quyết, thay đổi cuộc sống ngõ hầu chào đón Vương Quốc Chúa. Khi Chúa đến, Ngài sẽ công bố Vương Quốc Nước Trời qua Ngài hiện diện: “Nước đã gần kề”.

Dù thánh nhân, đã thu hút và tạo ảnh hưởng nhiều trên dân chúng, ông vẫn nói: “Tôi không xứng đáng cúi xuống, cởi quai dép cho Ngài!” (Mc 1: 7). Đây là lời ám chỉ công việc của người nô lệ, rất thấp hèn. Công việc, là ý nghĩa và biểu trưng việc Chúa cúi rửa cho đồ đệ Ngài, vào ngày Từ Biệt. Vai trò của thánh Gio-an đây, chỉ là phục vụ Đức Giê-su. Phục vụ dân Chúa. Như thánh nhân bảo: “Ngài phải tiến, còn tôi phải suy giảm”. (Yn 3: 30). Và cả đời thánh Gio-an là tập trung công bố Đức Giê-su là Chúa. Đấng Mê-shia.

Bài đọc 2, thánh Phêrô nhắc nhớ mọi người, về ước nguyện Chúa đến với cuộc sống của mình. Vì thế, ta nên chuẩn bị để Chúa đến, vào bất cứ lúc nào. Nhiều người cứ than phiền: Chúa chẳng tiến đến mỗi khi họ cần Ngài. Vì thế, thánh Phêrô đã ần cần nhắc nhở: “Chúa không chậm trễ thực hiện Lời Người hứa.” Trái lại, “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn mọi người diệt vong, nhưng biết ăn năn hối cải.” (2P 3: 9). Đây mới là vấn đề. Vấn đề đổi thay, quay về với Chúa. Năng đến với Ngài.

Và, thánh Phêrô nói thêm: “Mong đợi Ngày Chúa đến, anh em phải cố sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không gì đáng trách. Và sống bình an.” (2P 3: 14). Theo các tác giả, một số tín hữu thời ấy vẫn trông chờ Chúa đến ngay thật sớm, nên đã thắc mắc: sao Ngài lâu đến? Và có người còn lo sợ về ngày sau hết, lo bị phán xét. Nhưng thật ra, Chúa sẽ đến trong vinh quang. Và vui mừng.

Thật sự, cũng chẳng nên lo âu, sợ sệt. Bởi, những ai gần gũi Chúa, sẽ luôn sống trong an bình, dù giông tố bão bùng, thường xảy đến. Vẫn chung quanh. Những người như thế, Ngày Chúa đến là ngày chẳng có gì để phải sợ. Với họ, mỗi ngày đều là Giáng Sinh. Rất đặc biệt. Với họ, mỗi ngày đều là Ngày của Chúa.

Vai trò của thánh Gio-an, còn là bài học để ta suy nghĩ. Bởi, trong cuộc sống, có rất nhiều thánh Gio-an, rất Tẩy Giả. Nhiều người, nhiều vị đã giúp ta tìm ra Chúa. Giúp ta, biết nhận thức. Yêu thương. Phục vụ Ngài, tốt đẹp hơn. Là, người Công giáo, ta đã được Thanh tẩy. Có cha mẹ đỡ đầu dẫn dắt giúp hiểu rõ niềm tin. Mốt số người trong chúng ta, còn có bậc cha mẹ là các tín hữu tuyệt vời. Cũng có người không được vinh dự như thế.

Là tín hữu trưởng thành, trong sống Đạo, nhiều người đã tạo cơ hội làm công cụ giúp ta tìm gặp Chúa. Dõi bước theo Chúa. Như, gặp gỡ/tiếp cận với sách vở. Với lời giảng huấn. Với khuyên răn. Tĩnh tâm. Tìm nguồn hứng giúp ta sống trọn hảo. Chính vào ngày của Chúa, trong tiệc lòng mến này, là lúc tốt đẹp để cảm tạ những ân nhân ấy. Cảm tạ, trong nguyện cầu. Cảm tạ, bằng cử chỉ thiết thực.

Một điều nữa, thánh Gio-an cũng nhắc chúng ta, là: cả ta nữa, ta có bổn phận/trọng trách công bố Tin Vui An Bình, Ngày Chúa đến. Công bồ, bằng việc giúp đỡ dân con nhà Đạo biết nhận thức, yêu thương và sống đích thực tình thương của Chúa, trong xã hội.

Ngày nay, thật không dễ kiếm tìm Chúa và nhận chân giá trịcũng như thị kiến của Ngài. Thế nên, ai cũng cần mọi người giúp “thẳng tiến đến xa lộ không đèn, nơi có Chúa”. Giúp, đi vào cuộc đời. Của mọi người. Giúp san bằng, mọi núi non/gò lẫm. Giúp, lấp cho đầy mọi thung lũng. Gò nỗng, thì kéo lên. Núi non, san thành đồng bằng. Để, “vinh quang Chúa được tỏ hiện, và tạo vật được xem thấy.”

Là tín hữu Đức Kitô, ta không chỉ có mỗi trọng trách lo cho chính mình. Nhưng, còn: mang Tin Vui Tình thương của Đức Chúa đến với mọi người. Còn, chuyên chở sứ điệp tràn niềm vui chiếu sáng trên hành xử, của mỗi người. Niềm vui ấy xuất phát từ bên trong. Vui, trong khôn ngoan. Vui, trong an hoà. Và, trọng trách ta luôn mang, là: không rao truyền niềm tin của ta như những gì khủng khiếp đáng lo sợ. Mà là, mang niềm tin đến với mọi người. Để, họ thấy được là niềm tin giải thoát hết mọi người.

Reo mang tin vui, là trưng dẫn ảnh hình của Đức Chúa, như “Đấng Chăn Chiên Nhân Hiền, Ngài luôn nâng niu chiên con trên tay ẵm bồng, vào lòng.” Là, luôn mang theo niềm tin, hy vọng và sự thật. Mang theo an bình và hoà hoãn. Mang công lý và lòng xót thương. Thông điệp ấy, không rơi rớt từ trời cao. Cũng chẳng là, mặc khải tư riêng mang đến, cách nhưng-không. Mà, còn tuỳ thuộc vào thái độ của mỗi người, có biết “dọn đường để Chúa đến?”hay không. Bởi, vẫn còn đó lời kêu gào từ chốn hoang sơ rất thị thành, ngày hôm nay.

Và, thư thánh Phao-lô hôm nay nhắc nhở:“làm sao họ kêu cầu Đấng mà họ không tin? Làm sao họ tin Đấng mà họ không được nghe? Làm sao họ nghe, nếu không có ai rao giảng?Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay những bước chân loan báo tin mừng!”. Vậy nên, “có đức tin, là nhờ nghe giảng. Mà, nghe giảng là nghe công bố lời của Chúa.” (Rm 10: 14-15, 17)

Ta có phúc, vẫn được dân con Chúa đem Tin Vui Đức Chúa sẽ đến lại. Vậy, điều tối thiểu ta cần làm, là làm thế cho người khác. Bởi, quà tặng Giáng Sinh/Ngày của Chúa không gì quý, bằng: giúp mọi người biết nhận thức, yêu thương Chúa, như Đường lối sống. Cho họ.

Trong yêu thương giùm giúp, ta hãy hát lên lời ca yêu thương, nghệ sĩ xưa từng hát:

“Hãy nhìn xuống đây

để thấy thương người thua mình

vẫn gượng sống vui với niềm tin

hãy nhìn xuống chân để lắng nghe nỗi bất bình

muốn gào thét nhưng phải lặng thinh.” (Lê hựu hà – Hãy Nhìn Xuống Chân)

Nhìn xuống, còn để giúp đỡ hết mọi người. Người đang trông chờ Ngày Chúa đến. Cả, người đang “viết trọn năm dài trên vách đá”, “ngắm trời xanh”. Cần được giúp.

____________Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch.


No comments: