Sunday 4 January 2009

“Bỗng đêm nay trước cửa, bóng trăng quì”

Suy niệm Lễ Hiển Linh 04.01.09

“Bỗng đêm nay trước cửa, bóng trăng quì”

Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu,
Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền diệu,
Não nề lòng viễn khách giữa cơn mơ.
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 2: 1-2

Trăng chỉ quì, khi nhà thơ sấp mặt. Sấp mặt, để uốn mình theo dáng liễu dâng lời nguyện. Trăng còn quì, khi Chúa tỏ lộ với người người, ngày Hiển Linh.

Trình thuật Hiển Linh hôm nay, diễn lại tình Chúa khắp đất trời, miền Israel. Hiển Linh, bên tiếng Hy lạp có nghĩa một “bày tỏ”/”biểu hiện”. Và, Hội thánh nay mừng lễ Chúa Tỏ Hiện chính mình Ngài, đã hàm ngụ ý nghĩa một biểu hiện, như tiếng Hy Lạp.

Lần đầu Chúa Hiển hiện là ngày 25 tháng Chạp. Ngày ấy, Chúa hiện hình qua Hài nhi nhỏ bé, chẳng giúp gì. Ngài được mọi người coi như trẻ bé không nhà. Nghèo hèn. Và, kém cỏi. Ngồi quanh bên Ngài, là các trẻ nghèo hèn bị bỏ rơi. Là, mục đồng thấp bé của xã hội nghèo túng. Điều này, rất ăn khớp với chủ đề được nói đến trong Tin Mừng thánh Luca.

Hiển Linh hôm nay, cũng mang dáng dấp một tình huống tương tự. Nhưng ở đây, Hiển Linh là ngày lễ hoàn toàn khác. Khác ở chỗ, lễ hội này lại dành để cho người xa lạ, ở ngoài. Các vị ở ngoài, vẫn đến thần phục một trẻ bé, theo cung cách đối với vị vua quan. Điều này, còn xứng hợp với chủ đề mà thánh Matthêu đưa ra:“Hãy đi, mà tuyển chọn môn đồ mọi dân nước.”

Tỏ mình lần thứ ba, là dịp Đức Chúa chấp nhận để thánh Gio-an thanh tẩy. Khi ấy, Đức Chúa trưởng thành, Ngài cùng đứng bên sông với những người tỏ ra biết sám hối. Và đó là lúc, có tiếng từ trời cao xác định Ngài là Con Thiên Chúa. “Đây! Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài." (Mt 3: 17)

Tỏ mình lần thứ tư, Đức Chúa tỏ rõ nơi Tin Mừng thánh Gio-an. Tỏ hiện này, là Chúa tỏ mình ở tiệc cưới. Ngài tỏ mình, là để mọi người biết về Vương Quốc của tình yêu. Của, sự công chính và an bình. Vương Quốc của Ngài, nay tỏ hiện nơi Đức Giê-su Kitô. “Nước” ở đây, một biểu tượng cho Giao Ước cũ, nay biến thành “rượu”. Đấy, chính là Giao Ước Mới đã ký kết, có dấu ấn đóng trên thập tự, ở Calvari. Đức Mẹ, đại diện cho Hội thánh Chúa, nay được công nhận là Đấng Cầu Bàu, đã dùng uy tín của Mẹ Thiên Chúa để khiến Con của Mẹ, làm theo. Đây, “dấu chỉ” đầu trong 7 dấu ấn, qua đó Chúa biểu hiện rõ căn tính của Ngài, nơi Tin Mừng.

Hiển Linh hôm nay, có người hẳn sẽ thắc mắc: về câu truyện các “đạo sĩ” không chắc đã thực sự xảy ra theo đúng sử sách. Hay, chỉ là một truyện như mọi truyện kể, cũng không chừng. Trước nhất, phải công nhận đây chính là một truyện kể. Là trình thuật, gồm các sự kiện thật khó đoán trước. Khó đoán, như việc dự báo thời tiết về đêm, có lúc xuống đến 10 độ. Cũng rất khó, như việc dự đoán mực nước mưa dâng tràn, đến 10 milimét. Truyện kể ở đây, lại là truyện Kinh Sách. Cốt đặt nặng về ý nghĩa. Như khi nghe đọc Phúc Âm, đôi khi ta cũng thắc mắc, hỏi rằng: “Truyện kể ấy, có nghĩa là gì?” “Truyện kể ấy, đem đến cho ta những gì đây?” Bởi lẽ, sự thật vẫn nằm ở ý nghĩa, chứ không ở sự việc có đích thực xảy ra, hay không.

Thật ra, trong truyện kể như thế, sự kiện tỏ bày hiện hữu cũng chỉ vu vơ, rất lờ mờ. Không đủ dữ kiện cho báo đài/truyền hình, làm bản tin. Bởi, báo đài/truyền thông bình thường chỉ lưu tâm đến những gì, khả dĩ có thể trả lời câu: Ai vậy? Đó là chuyện gì? Tại sao thế? Ở đâu? Khi nào? Ý nghĩa làm sao? Trong truyện kể tương tự, thật khó trả lời các câu hỏi như thế.

Về các đạo sĩ, mà người Hy Lạp có thói quen gọi là “magoi” (tức đạo sĩ/thân hào nhân sĩ) là các bè/nhóm hoặc các học giả kinh điển, chuyên lo giải mã chiêm bao, cùng giấc mộng. Ngày hôm nay, ta vẫn gọi các chiêm tinh gia/nhà ảo thuật thuộc tầm cỡ như phái Zoroastri, thời buổi trước. Truyền thống Giáo Hội gọi là Ba Vua (như: 3 vua ở Phương Đông), cũng là do ảnh hưởng từ Thánh Vịnh 72, câu 10: “Cả các vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đến tiến dâng lễ vật.” hoặc từ sách Isaya đoạn 49, câu 7 có nói: ”Vua chúa sẽ thấy và đứng lên, chư hầu sẽ thấy và bái lạy”, hoặc câu 10 đoạn 60: “Vua chúa của chúng sẽ góp phần.”

Thật sự, khó mà biết được con số các vị này gồm bao nhiêu người. Nhưng, truyền thống Giáo Hội vẫn định ra, chỉ có 3 vị. Vì tất cả, có những 3 loại quà được dâng tiến. Và, tên các vị này được đặt theo ý nghĩa của từ ngữ, như: Caspar, đại diện cho dân da màu. Tức: thế giới ở bên ngoài Do Thái, nay đến với Chúa. Như ta vẫn biết, “họ đến “từ cõi trời Đông”. Gia dĩ, có thể từ Ba Tư, miền Đông Xy-ri-a hoặc từ Ả Rập đến. Nghĩa là, những vùng sâu vùng xa. Xa và sâu, nơi chân trời ấy. Thần học gia Aloysius Pieris cho rằng: điều này mang ý nghĩa rất đáng kể với dân Á Châu. Bởi, các “thân hào nhân sĩ” đến từ vùng châu Á, chứ không là chiêm tinh gia địa phương, theo ánh sao lạ, mà tìm đến.

Dõi theo ánh sao, không rõ thời ấy có xảy ra hiện tượng sao chổi nào không? Hoặc, có sự nối kết hành tinh nào, khiến các vị ngạc nhiên, đi tìm kiếm? Dù sao, khó tưởng tượng nổi chuyện “dõi ánh sao” cả trăm dặm, để rồi cuối cùng, thấy sao vẫn lủng lẳng, trên đầu mình. Tìm cho được sự thật, thì cũng là chuyện vô bổ, mất thì giờ. Bởi, sao đây chính là Đức Giê-su. Là, Ánh Sáng soi dẫn muôn dân.

Thành thử, không nên tìm tòi lý lẽ đưa dẫn đến sự kiện. Cho bằng, hãy chú tâm đến bối cảnh và ý nghĩa nói đến trong Tin Mừng. Theo đó thì Thiên Chúa, bằng vào bản thể Đức Giê-su, là Đấng đến với thế giới nhân trần. Không như, các lãnh tụ tôn giáo, những thượng tế với kinh sư, dù biết chắc Đức Mê-sia hạ sinh cách nào, vẫn không hề bỏ công tìm kiếm. Như Bét-lê-hem, đất miền mộc mạc chỉ cách Giê-ru-sa-lem không bao xa, thế mà Hêrôđê vẫn muốn gặp. Gặp Chúa, cốt để tẩy xoá/trừ khử mối đe doạ thay thế chỗ, của mình. Trong khi đó, khách lạ đường xa, lại cất công ra đi ngàn dặm tìm kiếm “Vua Do Thái”, để triều bái. Dâng phẩm vật.

Ngoài việc triều bái, các vị này còn dâng tiến những là: vàng, nhũ hương, và mộc thảo đầy thuốc quý. Quà tặng các vị dâng cho Chúa, vẫn là điều được gợi hứng từ lời sấm của tiên tri Isaya, ở bài đọc 1:”Họ mang theo vàng với trầm hương” (Is 60: 6). Với truyền thống Giáo hội, sau này thì: vàng tượng trưng cho Vương quyền của Chúa. Nhũ hương, biểu hiện thiên tính của Ngài. Và, mộc dược là sự thống khổ và nỗi chết Ngài gánh chịu, để cứu rỗi.

Nói chung, Lễ Hiển Linh cho ta biết một điều, là: Chúa không coi ai là khách lạ. Người ngoài. Trái lại, tất cả đều trở thành con cái dấu yêu, của Chúa. Dù ngoại hình của ta có khác nhiều, ta vẫn cùng chung gia đình. Gia đình, có Người Cha Đáng kính, mà ta được phép gọi: “Lạy Cha của chúng con”. Điều này còn có nghĩa: ta là người anh người chị, của nhau. Là gia đình, vẫn không có chỗ cho những kỳ thị về bất cứ thứ gì. Dù, đó có là sắc tộc, chủng loại, tôn giáo, giai cấp, nghề nghiệp... Không có chỗ, cho những khác biệt về vị thế, mức độ.

Hiển Linh hôm nay, dù có mang tính mông lung/mơ hồ của một truyện kể, nhưng thông điệp ấy vẫn rõ mồn một. Rõ như ban ngày. Cảm tạ Chúa. Hôm nay, không có ai là “dân riêng được chọn”. Dù, có là người Do Thái. Dù là Kitô-hữu. Công giáo hay dân đứng ở ngoài. Hãy cứ tìm hiểu về đặc tính gần gũi/cận kề, với Đức Chúa. Đó, cũng là lý do để ta tìm cách mà gần gũi/cận kề, bên nhau. Gần gũi/cận kề, là không đứng ở ngoài làm khách lạ người dưng. Nhưng, tất cả đều được mời. Dù, người được mời có là Mẹ của Đức Chúa. Dù, ta giàu có hay vẫn nghèo hèn. Dù, ta được trọng đãi hoặc vẫn bị bỏ rơi. Đơn lẻ. Dù, người được mời có mạnh khoẻ. Hay, vẫn ốm yếu, tật nguyền. Là, thánh nhân hay vẫn chỉ là tội phạm, ta vẫn là con của Đức Chúa.

Chỉ là dân ngoại/khách lạ người dưng, khi đã lầm lỡ. Và làm cho ai đó trở thành người sống ngoài rìa. Ngoài cộng đoàn. Ngoài tình thân. Nghĩa là, ta vẫn chối từ tặng ban đặc sủng thương yêu tôn kính. Tặng ban cách đồng đều. Cho hết mọi người. Cho cả dân ngoại. Nếu ta vẫn cứ làm cho người ngoài cứ thế ở ngoài rià, tức là: ta đã tiếp tay với nhóm Pharisêu ngạo nghễ, với đám thượng tế rất kiêu sa. Mù quáng. Cố chấp.

Về lại với chính mình, ta hãy tự hỏi: mình thuộc về sao nào? Chúa gọi mình ra sao? Cách nào? Ngài muốn ta tìm đến gặp Ngài nơi ai, để có thể phục vụ và theo chân Ngài? Nơi người vẫn có cỗ cao mâm đầy, ư? Hay nơi kẻ nghèo hèn? Có phải ta vẫn cản ngăn người khác tìm kiếm “ánh sao”, cho chính họ?

Mừng Lễ Hiển Linh hôm nay, dĩ nhiên có những điều ta khó mà đổi thay. Khó mà, quyết định ai sai - ai đúng. Nhưng vẫn không trễ, để ta có thể dõi mắt tìm kiếm “ánh sao”, cho đời mình. Tìm kiếm, để dõi bước chân mềm mà đi theo. Ngay ở đây. Bây giờ.

Khi xưa, đạo sĩ đã cất bước ra đi. Ra đi, các vị đi mãi tận đất miền Bét-lê-hem, mới gặp Chúa. Chẳng vị nào tiếc công hoặc tiếc của. Ra đi, các vị đã làm gương để ta cũng ra đi với lòng quả cảm và tin yêu, mà dõi bước. Dõi bước, nhưng không luyến tiếc, hối hận. Dõi bước ra đi, để sẽ không ân hận là mình đã khởi sự, từ hôm nay.

Trong tinh thần cương quyết ấy, ta cứ hát lên lời ca phấn chấn thúc đẩy:

“Người đi trên dương gian

Thở hơi gió từ ngàn năm

Gió lung lay Hoành Sơn

Gió dâng cao Biển Đông

Người đi trong thanh xuân

Sưởi hương nắng như lửa sống

Máu sôi như sắc trời

Bước nhanh vượt chân đời.” (Phạm Duy – Lữ Hành)

Đi, trên dương gian. Đi, trong thanh xuân. Đi, để thấy “trước cửa bóng trăng quỳ”. Trăng quỳ, như người quỳ. Quỳ và lạy Đấng Hài Nhi, nay đến cứu độ nhân gian. Chốn phàm trần. Còn lỗi phạm.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

No comments: