Friday 20 February 2009

“Em hãy trôi, trên giòng sông khổ hạnh,”

nở nụ cười khinh bạc,

thách thức cuộc nổi trôi.

Em hãy đi! Những lối chớ ngại ngùng,

Bước qua trời, để thấy được tình yêu.”

(dẫn từ thơ Cẩm Vân)

Mc 1: 12-15

Trôi trên giòng sông khổ hạnh? Phải chăng, là lời khuyên nghe rất khó! Cũng khó, như lời vàng hôm trước: hãy vác thập giá mà theo Ta. Khổ hạnh – thập giá, tuy có khó, nhưng vẫn là điều thánh Máccô nay đà ghi chép.

Trình thuật thánh Máccô, nay nói đến 40 ngày khổ hạnh của Đức Chúa. Ngài không “nở nụ cười khinh bạc, thách thức cuộc nổi trôi” như nhà thơ trên đã viết. Khổ hạnh, là Vượt Qua, tiến bước vào nỗi chết. Chấp nhận chết, Ngài mới sống lại trong vinh hiển. Với phép nhiệm Vượt Qua, Ngài luôn tiến bước. Ngài tiến, để ta suy tư nhận thức, sống khổ hạnh, hoà nhập cùng Chúa.

Sống khổ hạnh, không có nghĩa: tập trung vào chuyện tiêu cực, trong mọi việc. Nhưng, suy tư về cuộc sống rất tích cực. Sống thẩm nhập vào hành trình cứu độ của Chúa. Sống thân thương với mọi người. Với bạn bè. Với người thân. Với cả cộng đoàn Nước Trời, nơi giáo xứ. Sống vui tươi, với người anh/người chị trong môi trường xã hội bên ngoài. Sống hài hoà, theo tình con cái, nhất quyết đánh bật mọi lạm dụng/sai trái, nhất nhất là thành phần của cuộc sống, rất Chay kiêng.

Sống chay kiêng, là tự vấn chính mình, với quyết tâm. Và, khởi động. Sống chay kiêng/khởi động, là đi vào nơi hoang vắng, chốn hồn hoang mà thánh Gioan Tẩy Giả từng cảnh báo: “Thời đã mãn, và triều đại của Chúa đã đến gần. Hãy sám hối. Và, tin vào Tin Mừng”. Sống sám hối và tin vào Tin Mừng, cũng bao gồm cả những vấn nạn thường xuyên, là hỏi lòng rằng:

-mình có quyết tâm tham dự Tiệc Thánh mỗi ngày, hoặc mỗi tuần, chưa?

-có bỏ ra vài giây phút riêng tư tịnh thoát mà nguyện cầu, hằng ngày chưa?

-có để thì giờ để chuyên chăm một mình, đọc thánh Kinh?

-có sinh hoạt tình thân thương với cộng đoàn mình đang sống cùng và sống với?

-Lời Chúa có đánh động niềm riêng của mình, mùa Chay không?

-liệu mình có dám dùng tiền bạc định mua sắm/tiệc tùng, để giúp đỡ người cần hơn không?

“Người ở trong hoang địa những 40 ngày”, không nên tìm nơi đây chứng tích lịch sử khách quan. Cho bằng, hãy tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng được thánh Máccô ghi lại. Tìm hiểu, để hiểu rõ các xung đột nội tâm Chúa cũng gặp, trong đời Ngài. Xung đột, là những hiện thực đang diễn tiến trong cuộc đời. Của mỗi người.

Xung đột nội tâm, như thánh Mátthêu và thánh Luca ghi nhận, là những thử thách đầu đời, nay đã đến. Với Chúa. Thử thách Chúa gặp, là những thử và thách qua:

-việc dùng phép lạ có nhằm đánh bóng chính Ngài (như: thử thách biến sỏi đá thành cơm)?

-làm điều lạ, Ngài có nhằm thu hút đám đông bước theo Ngài (như: gieo mình từ trên núi)?

-được dân con chúc tụng, nâng lên hàng vua chúa (khi nhân rộng cá/bánh nuôi 5000 người)?

-Ngài toan khước từ khổ đau và sự chết do Cha đặt để (Xin miễn cho Con chén đắng này…”)

Có giáp mặt thử thách cách thành công, Đức Giêsu mới nói được lời “Xin Vâng!” với Cha. Ngài xin vâng, cả vào khi chấp nhận hiến tặng cuộc sống của chính Ngài. Có giáp mặt với khổ đau và thử thách, Ngài mới tiến bước bắt đầu cuộc đời công khai, để rao giảng.

Khời đầu đời rao giảng, là khởi sự chấp nhận một bàn giao sứ vụ, từ Gioan Tẩy Giả. Với Chúa, hoàn tất sứ vụ rao giảng nhằm cứu độ muôn dân, Ngài bàn giao cả trọng trách “xin vâng” cho môn đồ và những ai quyết theo chân Ngài, mãi hôm nay.

Hôm nay, dự Tiệc Thánh, là bằng lòng chấp nhận cuộc bàn giao sứ vụ giảng rao, vị chủ tế đã truyền lan, khi tan lễ: “Anh chị em ra đi bình an, trong Đức Chúa”. Đi bình an, là đi đi để mà rao giảng. Đi đi, để làm chứng, bằng cuộc sống, cho lệnh truyền của Chúa, hôm xưa: “Này Mình Ta, đã phó nộp vì các con”. Phó nộp, một cụm từ xuất tự tiếng Latinh “tradetur”, có nghĩa là bàn giao. Là, trao trách nhiệm cho ai đó. Cho mọi người.

Tiệc Thánh Lời Chúa hôm nay, có thông điệp bàn giao Ngài truyền dạy: “Hãy sám hối, và tin vào Tin Mừng”. Sám hối và tin vào Tin Mừng, để khởi đầu một thông điệp đem về sứ vụ mà Chúa giao phó. Xem thế, một kỷ nguyên mới đã khởi đầu. Xem như thế, tương quan mới đã nảy sinh. Tương quan mật thiết, được thành lập giữa Đức Chúa và muôn dân. Ở mọi thời.

Thông điệp được giao phó, nay đã rõ, có lệnh truyền: “thời đã đến”. Thời nào? Đây chính là kairos. , giây phút quan trọng nhằm hoàn thành trọng trách, Chúa giao phó. Trọng trách ấy, nay mang ý nghĩa đích thực của “Nước Chúa gần kề” (Mc 1: 15). Nước Chúa, không là Thiên đường, mang tính địa dư. Nơi chốn. Mà chính là, quyền năng của Chúa. Ở đó, người người được gọi mời hãy thiết lập cho chính mình. Trong tình thương có Chúa. Tình thương yêu cứu độ, nay được hiển thị nơi Thân Mình Đức Kitô. Đức Chúa chấp nhận khổ hạnh. Mùa chay kiêng.

Chứng cứ của quyền năng yêu thương được Chúa hiển thị, nay thấy rõ:

-ở Lời dạy của Đức Giêsu. Đấng, đầy quyền uy đích thực, được Cha giao ban.

-ở công cuộc cứu độ/chữa lành người tật bệnh.

-ở việc Chúa giải thoát dân con Ngài khỏi sức mạnh thù địch cứ rình chực huỷ hoại con người

-ở việc đưa dân con trở về cùng một “ràn chiên”, người bị xã hội khước từ. Bỏ rơi.

-ở các hành xử biết thứ tha và giảng hoà phạm nhân. Người biết hối lỗi.

-ở động tác cao đẹp Ngài đã trao ban chính mình Ngài, bằng tình thương nhuộm thắm khổ đau, cho đến chết. Và sống lại.

Nhưng, vấn đề là: làm sao tháp nhập được vào tình thương yêu cao cả ấy, của Ngài?

“Hãy hối cải”, chính là lời gọi mời, Ngài đưa ra. Lời gọi này, không là cảm xúc hối hận và nuối tiếc, chuyện đã qua. Cũng không là dừng đứng, thôi không làm điều xấu xa, nữa. Nhưng, lời gọi Chúa muốn ở đây, là đổi thay tận gốc rễ, trọn vẹn lối sống của mình. Của thế giới. Theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, là: “con người mới”. Người mới, là người biết đặt mình trong Đức Kitô. Biết đổi thay.

Nhưng, làm sao để đổi mới? Đổi mới, là “tin vào Tin Mừng”. Tin, không chỉ tưởng rằng Tin Mừng đã hiện thực. Nhưng còn là: tin VÀO Tin Mừng. Cái khác ở đây, rõ ràng là khác biệt giữa ‘tin cái gì’, ‘tin vào điều gì’. Hoặc đúng hơn, la: ‘tin một người’. Người nào đó. Trong bối cảnh được đề cập ở đây, là tin rằng: “Nước đã gần kề”, “tin” ở đây chính là quyết tâm ta đã có. Có, cho lối sống được diễn bày nơi Tin Mừng. Của Chúa. Có san sẻ tầm nhìn, về cuộc sống. Có san sẻ, để rồi đảo ngược những giá trị chỉ mang tính rất chóng qua, thế mà thế giới ngày nay, vẫn ngộ nhận.

Mùa Chay kiêng, là thời gian trong đó người người quyết cải hối. Nhất định đổi thay. Đổi và thay, theo cách thức và chiều hướng đã được toàn thể mọi người thề nguyền, dạo thánh tẩy. Mùa Chay kiêng, còn là thời gian giúp ta tái xác định. Và nhất quyết, làm việc ấy. Cho bằng được.

Bài đọc 1, gợi nhớ người nghe, về quyết tâm mà ông Nô-ê và gia đình, đã thực hiện qua trận hồng thuỷ phá hoại mọi mùa màng, cùng sinh vật. Quyết tâm của ông, nay khơi mào một tương quan mật thiết đã khởi đầu giữa Thiên Chúa và dân Người. Tương quan, nay được thể hiện nơi giao ước mới vừa tái tạo, với tổ phụ Ápram. Với Môsê, lúc sau này. Hồng thuỷ trong truyện của Nô-ê, gợi cho ta nhớ về một quyết tâm được đặt ra, chính vào lúc mình lĩnh nhận ơn thánh tẩy.

Nhờ có thánh tẩy, ta mới được tháp nhập vào Hội thánh. Vào với Thân Mình của Đức Chúa, tức: cộng đoàn dân con, rất Nước Trời. Bằng vào việc ‘sống cùng’ và ‘sống với’ cộng đoàn dân Chúa. Cuộc sống, mà ta học được từ các lệnh truyền của Đức Chúa. Học hỏi phương cách để sống, sẽ giúp ta có quyết tâm, với Ngài. Học hỏi cách sống, có cuộc đời dựa trên sự thật. Sống, có tình thương yêu, giùm giúp. Sẻ san. Sống sẻ san, là: biến công bình và tự do con cái Chúa, thành hiện thực.

Đổi mới cuộc sống, như thế, ta có được hỗ trợ từ cộng đoàn Nước Trời, mà ta chính là thành viên sinh động. Sống như thế, ta sẽ có dịp học hỏi liên tục, nơi mọi người. Học và hỏi, để rồi tăng trưởng cùng với con dân Nước Trời, trong tình liên kết hoà hợp thành nguyên dạng hình hài, trong đó có Chúa hiện diện. Có cả người anh/người chị, rất thân thương. Đó, là ơn cứu độ. Là, ơn giải thoát, bắt đầu từ đây. Nơi này. Mùa Chay kiêng. Mùa củng cố và hỗ trợ cho đổi mới. Hăng say. Lành mạnh.

Trong hăng say đổi mới vào Mùa Chay kiêng, ta hiên ngang đầu cao mắt sáng, mà hát rằng:

“Một mầu buồn sâu từ đôi mắt…

nên tin yêu vốn hay mơ

bâng khuâng vấn tâm tư,

hẳn rằng bông hoa đó…

ai trông mong lúc anh quay về!” (Văn Phụng – Ngoại ô đèn vàng)

Dù, “bâng khuâng vấn tâm tư, vẫn mong anh quay về”. Quay về, Mùa Chay kiêng. Để, sám hối. Và, tin vào Tin Mừng. Tin rằng: Nước Chúa gần kề. Tin rằng, cần đổi mới. Cả cuộc đời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

No comments: