Friday 10 April 2009

“Tình Yêu không biết sợ”

Người yêu chỉ biết buồn.
Tình yêu không cổng sắt.
Tình yêu không rào vuông.

(Dẫn từ thơ Võ Thị Trúc Giang)

Ga 20: 19-31

Không biết sợ, là tình của nhà thơ. Là, tình không cổng sắt? Với nhà Đạo, là tình không rào vuông. Ơ hờ. Rất sợ. Sợ, là tâm tình của đồ đệ ngày Phục Sinh, Chúa đã về.

Trình thuật hôm nay, bắt đầu bằng bầu khí hãi sợ. Chủ nhật hôm ấy, chỉ hai ngày sau lúc Chúa lìa đời, khi các môn đệ ở trong nhà. Cổng kín tường cao. Vẫn sợ. Sợ, là sợ bị giam giữ. Trừng phạt. Sợ, vì liên quan đến Chúa. Sợ, dù Chúa đã trấn an, mấy ngày trước.

Chúa trấn an, bằng sự hiện diện theo cách mới. Với các ngài. Trấn an, bằng những lời thân tình.

“Bình an cho anh em”, thoạt là lời chúc, rất “Shalom”. Shalom, thường là tiếng chào hỏi của người Do thái, mỗi khi gặp. Ở đây, lúc đồ đệ còn hãi sợ, lời chúc của Chúa mang ý nghĩa rất đặc biệt. Tiếng Hy Lạp, không có động từ “chúc tụng” như thế, nên có thể đây là lời chào đoan quyết một sự kiện, là: nơi đâu có Chúa hiện diện, nơi đó có bình an. Không sợ.

“Chúa đưa tay chỉ vào cạnh sườn”, không là cử chỉ của thần linh ma quái, rất phù thuỷ. Nhưng đây là động tác của Đấng, đã chết trên thập tự, nay thành dấu chỉ chứng tỏ một ý nghĩa mới rất đáng kể, là: Ngài chết đi và sống lại, để cứu độ con người. Ân huệ rất nhưng không. Phổ cập.

Ơn cứu độ, hiện rõ qua việc Thầy sống lại và trở về, đã đem đến cho mọi người niềm an vui. Phấn khởi. An vui trở về, Ngài tiếp tục hiện diện với các đấng. Qua chuyện trò cùng các đấng, Ngài chúc bình an cho mọi người. Đồng thời, Ngài trao ban cho các đấng, sứ vụ mới. Sứ vụ cao cả. Rất phấn chấn: “Như Cha sai Thầy thế nào, thì Thầy cũng sai anh em đi như thế” (Ga 20: 21).

“Và, Ngài thổi hơi trên các ông”, đây là hơi thở của sự sống. Bằng hơi thở, Giavê Chúa đã thổi lên cát bụi. Đời người. Bằng thổi hơi, cuộc sống con người nay được thánh hoá. Thổi hơi lên người đầu tiên, tên A-đam. Chúa thổi hơi, chính đó là Thần Khí, Đấng Linh Thiêng của Cha, và của Con. Thổi hơi, Ngài nói rất rõ: “Hãy nhận Thánh Thần Chúa, trên anh em.”

Và tiếp theo, là mệnh lệnh: “Anh em tha lỗi cho ai, người ấy sẽ được tha. Anh em cầm buộc ai, người ấy sẽ bị cầm buộc.” (Ga 20: 23). Mệnh lệnh đây, Ngài trao phó, cho mỗi người. Và, mọi người. Lời Ngài trao phó, tuy không nhiều, nhưng đã trở thành quyền uy trao cho các thánh, ngang qua Lời.

Thật sự, ta không thể tha thứ cho bất cứ ai, mà không hoà giải. Việc Chúa trao quyền uy tha thứ cho cho đồ đệ, là: quyền hoá giải để mọi người có thể đến với Chúa. Đến với người anh người chị trong cộng đoàn. Đến như thế, đất trời và tạo thành, sẽ thu về một mối. Bình an, Công lý. Sự Thật.

Đó là việc tiên quyết, các thánh sẽ làm. Còn lại, tất cả chỉ là thứ yếu. Kèm theo sau. Tiên quyết, tức: tái lập tương quan mật thiết giữa Chúa và dân Ngài. Tương quan, là mối giây mật thiết giữa con của Chúa, với chúng nhân. Đây, là công tác vĩ đại, chưa từng thấy.

Trên thực tế, công tác vĩ đại gồm nhiều việc. Không phải chỉ đến mỗi toà cáo giải để nhận lãnh ơn thứ tha, rồi thôi. Công tác Thầy giao, bao gồm việc gầy tạo môi trường xã hội, có căn bản dựa trên tương quan mật thiết. Với Chúa. Với anh em. Để thiết lập Vương Quốc Nước Trời. Ở trần gian.

Bài đọc 1, mô tả cộng đoàn Nước Trời, rất lý tưởng nay thấy rõ: “Các tín hữu thời ấy đông đảo, nhưng vẫn một lòng một ý.” Một lòng một ý, là dấu hiệu hiệp thông đoàn kết giữa cộng đoàn dân Chúa. Cộng đoàn tình thương. Mật thiết. Thân thiện.

“Không ai coi những gì mình có là của riêng, nhưng với họ, mọi sự đều của chung”, đây là lý tưởng mà người Cộng sản trước đây vẫn coi như phương châm hành động. Phương châm khẳng định rõ: “Làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu”. Lý tưởng này, nay thấy hiếm trong xã hội hôm nay. Xã hội lớn, gồm các cá nhân luôn ham hố. Tranh giành. Chiến đấu.

Bằng vào phương châm này, “cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn”. Bởi, người có của dư thừa, đều bán của mình có, tặng cộng đoàn:“tiền bán được, nay phân phát cho mỗi người, tuỳ nhu cầu.”

Giáo hội hôm nay, có tìm ra được cộng đoàn tình thương nào, đẹp thế không? Hay, chỉ thấy có, nơi cộng đoàn sống đời tu trì. Ở nơi đó, các thành viên sống yêu thương đích thực. Sống với lý tưởng phổ cập. Sống, như Kitô hữu đích thực, đã cải biến. Căn bản cộng đoàn Kitô hữu cũng nên thay đổi theo chiều hướng tích cực. Như thế.

Bài đọc 2, nói về giới lệnh của Chúa, cần tuân thủ. Thánh Gioan cho biết những việc như thế, không khó làm. Có thể, đây vẫn chưa là kinh nghiệm sống của nhiều người. Có thể, chuyện ở đây vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng, đây là giới lệnh gọi mời ta sống đích thực như vẫn nghe: nhân chi sơ tính bản thiện. Giới lệnh, nay không đòi ta thực thi điều gì không ăn khớp với bản chất riêng tư, cần thăng tiến. Nhưng, lời khuyên từ thánh Gioan, cũng phù hợp với giới lệnh ở Tân Ước, đòi mọi người yêu thương nhau, như Chúa vẫn thương ta. Giới lệnh, nay yêu cầu ta trở thành nhân tố Bình an, Hài hoà và Công lý. Ăn khớp với ý của Tin Mừng. Và, của Bài đọc 1.

Chúa trở về hiện diện giữa các thánh, rất đầu đủ. Nhưng, không thấy có mặt đồ đệ Tôma. Thành thử, thánh nhân mới nói Ông sẽ không tin nếu không đặt tay nơi cạnh sườn Thầy. Sau đó, thánh nhân đích thân gặp gỡ Thầy. Nên, ông không còn cứng lòng, như trước nữa.

Nhận ra Thầy, thánh nhân kêu lên: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!” Đây, còn là lời xác nhận căn tính đích thực của Đức Chúa. Nơi Tin Mừng. Đây, là lần đầu tiên và duy nhất, ta nghe các thánh gọi Ngài là Chúa. Kỳ diệu thay, đây chính là hành động của niềm tin. Rất có thể, thánh Tôma không trực tiếp nhận thức Đức Giê-su là Chúa. Vì, chẳng ai trực diện thấy được Chúa. Nhưng, kinh nghiệm cho thánh Tôma tin rằng: thánh nhân đang giáp mặt Chúa. Thực sự.

Lời Tin Mừng, nay là lời phấn chấn, khích lệ mọi người. Với những ai không có kinh nghiệm, tựa như thánh Tôma, Lời Ngài được gửi đến, rất xác thực: “Phúc thay cho người không thấy mà tin!”. Điều này nhắc nhở mọi người, hãy mở lòng ra mà nhận biết Chúa đang hiện diện. Ở với ta.

Cuối cùng, thì những gì được ghi ở trình thuật, nhằm giúp ta đạt đến trạng thái để ta cũng sẽ tin như các thánh: “Đức Giêsu là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!” Bằng vào niềm tin này, ta tìm ra được cuộc sống đích thực.

Hôm nay, biết bao người từng kinh nghiệm thấy rằng: tất cả là sự thật. Tất cả, đều nhận ra rằng: dấn bước theo Chúa, sẽ mang lại cho ta ý nghĩa, hướng đi và chất lượng cho cuộc sống. Của mình. Chất lượng ấy, không thấy bất cứ ở đâu. Nơi nào. Cầu mong sao, đó sẽ là kinh nghiệm của mỗi người, chúng ta.

Trong cầu mong như thế, ta lại cất lên lời tuyên dương bằng tiếng hát. Hát rằng:

“Tôi vẫn tin vào ngày mai

Tình thương chan chứa mọi nhà

Tôi sẽ đi tìm cuộc vui

Cho bao người còn chơi vơi cuộc sống lẻ loi.” (Quốc Dũng-Tôi vẫn tin vào một ngày mai)

Tin vào ngày mai, hay tin vào Chúa. Sẽ rất vui. Niềm vui, chan chứa mọi nhà. Mọi người. Những người tin rằng Chúa vẫn hiện diện ở với mình. Với người. Khắp mọi nơi.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.



No comments: