Sunday 19 April 2009

“Trên đường về nhớ đầy...”

Chiều chậm đưa chân ngày,
Tiếng buồn vang trong mây...
Tiếng buồn vang trong mây...
(Dẫn từ thơ Hồ Dzếnh)

Lc 24: 35-48

Trên đường về, nhà thơ nay cũng nhớ. Nhớ rất đầy. Buồn trong mây. Buồn và nhớ, buổi đưa tiễn có mây chiều vang vọng. Nhớ và buồn, đường Emmau vọng vang tình nhà Đạo nay da diết. Da diết nhớ Thầy. Nhớ Bạn. Nhớ Chúa dẫy đầy, một trình thuật. Đậm ghi. Rõ nét. Sống lại.

Trình thuật thánh Luca, hôm nay nhớ đầy tình chậm bước. Nhớ và ghi, tâm trạng buồn người lữ khách. Và rất nhớ, Thầy dẫn giải Ngài chấp nhận nỗi chết nhục hình, do Cha định. Dẫn giải nhiều, để môn đệ của Thày chan chứa tình Phục Sinh, nơi cuộc sống. Của mọi người.

Thoạt lúc đồ đệ mạn đàm việc xảy đến, Thày bất chợt xuất hiện ở với các ngài. Và, lời chúc “Bình an cho anh em!” do Thày chào, đã xác định Thày nay sống lại, nào phải ma.

Và tiếp đến là lời trấn an:”Sao cứ hoảng hốt,” và nghi ngờ? “Hãy coi, chính là Tôi! Hãy cứ rờ mà xem, ma nào có thịt da như thề!” Và, các thánh đích thực nhận ra, đây chính là Ngài. Là, Thầy Chí Ái lâu nay, ta vẫn nhớ. Chúa hiện diện giữa các thánh, nhất định không như người chết trở về, chẳng có xác. Chúa hiện diện, là tình Thày ở với đồ đệ, đầy tình thân. Hình hài thể xác tuy có khác. Khác, lúc xưa. Khác bây giờ. Khác rất nhiều. Vẫn một tình Thày trò, ở nhà Đạo.

Liền ngay đó, đã thấy có những cảm xúc lẫn lộn, nơi các ngài. Cảm xúc lẫn lộn giữa niềm quan ngại lẫn sướng vui. Bởi, cái chết của Thầy từng làm các thánh lo ngại sẽ không còn thấy Thày hiện diện với cộng đoàn, về sau nữa. Và cùng lúc, các ngài chưa hẳn đã tin. Nhưng kinh ngạc. Kinh khiếp và ngạc nhiên, tức tin đó và cũng nghi ngờ, liền sau đó. Kinh ngạc và hiểu rằng, dân con đồ đệ sẽ chỉ đạt đến Thầy, bằng nỗi niềm cậy trông phó thác. Và, cũng hiểu là Thầy sẽ lại đến qua diện mạo hình hài, rất khác nhau.

Vì kinh ngạc, các thánh quên cả tiếp đón Thầy như thông lệ. Đến độ, Thầy phải hỏi: “Anh em có gì cho ăn không?” Và trở về với thực tế, các thánh mới dọn món cá, đưa cho Thầy. Cũng từ đó, việc Thầy sống lại, càng xác chứng. Bằng sự thực.

Cũng từ đây, vai trò của các thánh đà thay đổi. Khi xưa, Thầy là Đấng cấp của ăn cho hơn 5 ngàn người, gồm bánh cá. Nay, đến lượt đồ đệ dọn thực phẩm để Thầy dùng. Việc này cho thấy: cộng đoàn các thánh nay chính là Thân Mình Chúa. Đấng Phục Sinh.

Việc làm của các thánh, là công việc xưa kia Thầy từng dặn. Tức, nuôi sống kẻ đói ăn người thiếu mặc. Cả thể xác lẫn tinh thần. Làm thế, tức nuôi sống cộng đoàn con cái Đức Kitô: “Quả thật những gì các ngươi làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất của Ta, là các ngươi làm cho chính Ta.” (Mt 25: 40). Ở đây, đã thấy có liên kết giữa Tiệc Thánh với các việc ta làm cho nhau. Trong đời.

Qua chuyện vãn với đồ đệ “trên đường về nhớ đầy”, Chúa dẫn giải ý nghĩa của khổ đau và nỗi chết. Và từ đó, dân con Đức Chúa nay đã biết: muốn hiểu Thầy, cần cởi mở lòng trí mà suy niệm điều Ngài nói, qua Tin Mừng. Mỗi Chúa Nhật. Cần giáp mặt chuyện trò với Thầy, qua Kinh Thánh. Tức, Lời Ngài. Bởi, Lời Thầy là quyền năng đích thực tạo đổi mới cho ta sống.

Trình thuật hôm nay, ghi rõ ba điều Thầy đã dạy:

1.Đức Kitô, chịu khổ hình đến chết, do dân Ngài. Nhưng Ngài đã sống lại, chỉ sau ba ngày.

2.Nhân danh Chúa, ta có bổn phận rao truyền ý Chúa đến với mọi người; để, tất cả sẽ cải hối, mà đối xử tốt với nhau.

3.Theo chân Chúa, là làm chứng tá cho Ngài bằng cuộc sống. Cho tình cộng đoàn, rất liên kết.

Bài đọc 2, thánh Gioan còn viết: “Căn cứ điều này, ta nhận ra là ta nhận biết Thiên Chúa: là tuân giữ các giới răn của Người. Ai nói mình biết Người, mà không tuân giữ giới răn của Người, tức là kẻ nói dối. Và, sự thật không ở với người ấy. Còn ai giữ Lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.” (1Ga 2: 1-5)

Tuân Lời Ngài, không chỉ là: tuân thủ đủ 10 điều răn, tức những điều không hoàn toàn do Chúa nói; nhưng còn là:

-tuân theo lời mời gọi và thử thách Chúa gửi. Qua Tin Mừng;

-trở nên con dân Chúa biết liên tục học hỏi và hiểu rõ Lời Ngài, qua Tân Ước. Như các tông đồ đã được dạy;

-hiểu rõ Lời Kinh Sách. Hiểu biết sự sống, khổ đau và nỗi chết của Chúa, như Ngài muốn.

-yêu mọi người, vô điều kiện. Yêu cả những người từng ghen ghét, hãm hại. Địch thù

-yêu thương người, là cầu mong Tình yêu Chúa thấm nhập tâm can, của mọi người.

-trở nên cộng đoàn hiệp nhất biết sẻ san/giùm giúp những người cần được san sẻ, đỡ đần.

-trở nên cộng đoàn duy nhất, biết nhận ra Chúa nơi người nghèo hèn, đau ốm, khốn khổ;

-biết đem tình thương lành thánh đổi mới cuộc sống muôn người;

-trở thành nhân tố bình an, đem hoà bình về với rẽ chia, đố kỵ.

Nói tóm lại, là: trở nên nhân tố cùng với Chúa kiến tạo Vương Quốc Nước Trời, ở trần gian. Nhờ Tin Mừng, ta nhận biết Thầy Chí Thánh đã hiện diện ở với đồ đệ. Hệt như thế, ta quyết sống làm sao để làm chứng cho mọi người biết: Chúa đang hiện diện trong thế giới đầy nhiễu nhương, hôm nay.

Trong tinh thần đó, ta cứ hiên ngang ngẩng đầu lên, mà tiến bước. Bằng tiếng hát:

“Tôi vẫn tin vào bàn tay

bàn tay sưởi ấm cuộc đời

bao nỗi u sầu dần phai,

yêu thương tràn cuộc sống.” (Quốc Dũng – bđd)

Tin Chúa Phục Sinh, là tin vào bàn tay sưởi ấm cuộc đời, cho muôn người. Tin Chúa sống lại, là tin rằng: “trên đường về nhớ đời”, sẽ không còn “tiếng buồn vang trong mây”, nữa. Nhưng còn đó, nụ cười. Rất tươi. Rất bình an. Thân tình

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

No comments: