Sunday 21 June 2009

“Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng, “

Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương.
Nhưng khốn nỗi xác ta đành câm tiếng,
Hồn đi rồi, không nhập xác thê lương.

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mc 5: 21-43

Khạc hồn ra khỏi miệng”, là tâm trạng của nhà thơ, nay rất khổ. Nỗi xác đành câm tiếng, là tình huống người nhà Đạo, vẫn thương tâm. Chúa thương tâm cả nhà thơ lẫn người đời, như có nói ở trình thuật.

Trình thật thánh Mác-cô hôm nay, lại đã ghi về niềm thương tâm Chúa phú ban cho con ông trưởng hội đường và cho cả người đàn bà, bị băng huyết. Những 12 năm. Và thánh Mác-cô nói “bà đã bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản…mà tiền mất tật mang” (Mc 5: 21). Và, đã cả gan sờ vào gấu áo Ngài, và được khỏi.

Vào khi ấy, Đức Giêsu quay lại hỏi: “Ai đã sờ vào áo của tôi?” Hỏi như thế, Ngài biết uy lực thần thiêng vừa ra khỏi mình Ngài. Đây là điều, khiến môn đệ Chúa cứ thắc mắc với tranh luận. Ngay lúc ấy, người nữ phụ đã bước ra, mà nhận lỗi. Vì bà quá hoảng sợ. Chính ra, bà cũng không nên len lỏi vào chốn ấy, vì ô uế? Và đó là lý do mà bà chẳng dám đến, ngay phút đầu. Đây cũng là mối hoảng sợ của các bệnh nhân Siđa của thời đại. Một hoảng sợ, không tên tuổi. Chẳng lý do.

Từ lúc ấy, bí mật của bà bị lộ ra cho mọi người thấy. Điều này càng khiến bà hốt hoảng hơn nữa. Thế nhưng, bằng một cử chỉ khác thường, bà tiến về phía trước, phủ phục trước mặt Chúa, và nói hết sự thật với Ngài. Về phía Đức Giêsu, Ngài không mảy may nổi nóng hoặc giận dữ, nhưng nhẹ nhàng nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Hãy đi bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5: 34)

Bằng việc chữa lành, Đức Chúa của sự sống và sự sống lại, đã đưa bà về lại với sự vẹn toàn của cuộc sống. Bà không chỉ được chữa lành khỏi tật bệnh thể xác thôi; nhưng, còn trở về với tháp nhập cùng xã hội nơi bà sống. Bà đã kiện toàn con người mình, theo mọi ý nghĩa. Qua tư cách cá nhân lẫn cộng đoàn. Nhưng, chính niềm tin sâu sắc vào Chúa, qua cử chỉ “sờ gấu áo Ngài”, là yếu tố chính tạo sự chữa lành.

Với câu truyện đầu ở trình thuật, Đức Giêsu đích thật là Đấng chữa lành mọi tật/bệnh. Nhưng mọi người không kỳ vọng là Ngài sẽ cho người chết được hồi sinh. Nhưng, Ngài vẫn cứ nhấn mạnh đến những câu khiến mọi người cần ghi nhớ trong đời: “Đừng sợ!”, được nhắc đi nhắc lại, trong Kinh thánh, những 399 lần.

Ở trình thuật, Đức Giêsu chỉ cho phép có 3 tông đồ, thành phần cốt lõi là Phêrô, Giacôbê và Gioan, được đi theo. Chúa muốn các Ngài nhận thấy những gì xảy ra; nhưng Ngài chẳng muốn thoả mãn tính tò mò của đám người dễ bị kích động.

Khi mọi người kéo đến nhà bệnh nhân, lại nghe có tiếng ai oán, cùng khóc than. Ngài bèn bảo: “Sao lại náo động và than khóc đến như thế? Đứa bé có chết đâu, nó chỉ ngủ.” (Mc 5: 39) Thế là, họ cười nhạo Ngài. Nhạo và cười, vì chỉ cần nhìn thoáng, họ cũng biết ai chết, ai còn sống. Mọi người còn biết: nếu không có Chúa ở đó, cô kia chắc đã bị chôn.

Chúa vào nhà người lạ, chỉ có cha mẹ cô bé và 3 môn đồ thân cận. Ngài cầm tay có bé lên rồi nói: “Này cô bé. Thầy truyền cho con hãy trỗi dậy!” (Mc 5: 41) Đứa bé lập tức trỗi dậy và đi lại như người bình thường, không có gì xảy ra. Động từ “trỗi dậy” ở đây, gợi cho người nghe nhớ về tình huống sống lại. Tình huống, Đức Giêsu cũng đã “trỗi dậy”, từ cõi chết.

Đây là cách thức thánh sử Mác-cô diễn tả sự việc rõ ràng và dứt khoát hơn thánh Tin Mừng của Gio-an: “Ta là sự sống lại và là sự sống!” Dù bị hôn mê hay đã chết, cô bé vẫn được tái tạo vẹn toàn về với cuộc sống. Và Đức Giêsu được bộc lộ cho biết Ngài là Chúa của sự sống. Chính vì thế, những ai chứng kiến việc xẩy ra, đều đã “kinh ngạc sững sờ.”

Sững đến độ, Chúa phải nhắc họ cho cô bé ăn. Điều này nói lên chỉ một phần của con người Đức Chúa. Bởi, Ngài là Đấng chỉ biết lo cho người khác. Chăm nom đùm bọc người khác, mà thôi. Với người khác, có thể sẽ xảy ra chuyện: ngủ quên trên chiến thắng, những bái phục. Nhưng ở đây, Chúa tập trung lo cho nhu cầu của trẻ nhỏ, thôi. Cả hai truyện trong cùng một trình thuật, cho thấy Đức Giêsu là nguồn mạch sự sống và chữa lành.

Bài đọc 1, Sách Khôn ngoan nói rõ: “Thiên Chúa chẳng vui gì, khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1: 13). Và các đoạn khác còn nói tiếp: “Người đã sáng tạo muôn loài thọ tạo trên thế giời, đều hữu ích cho sinh linh.” (Kn 1: 14) Và điểm quan trọng khác, sách này cũng nói: ta được dựng nên theo hình ảnh bản tính của Thiên Chúa. Chính đây là mục tiêu của sự sống, trong chúng ta: là để hiểu biết, yêu thươgn và san sẻ cuộc sống với Ngài, mãi không ngưng.

Quả thật, bằng cách này cách khác, tất cả chúng ta đều cần được Chúa chữa lành. Chữa tật bệnh, cho lành mạnh, sự toàn vẹn, lành thánh bên tiếng Anh, là những cụm từ được đan kết, nối với nhau. Khi nguyện cầu, ta xin cho được lành mạnh. Để có sức khoẻ, trong mọi địa hạt của cuộc đời. Chứ không chỉ lành và mạnh, nơi thể xác.

Sự thể đem đến cho ta toàn vẹn sức khoẻ lành mạnh, là cốt trở thành con người vẹn toàn. Vẹn toàn, trong đó mỗi phần trong ta –từ tâm linh, trí tuệ, xã hội, tâm lý, cho chí thể xác—đều hoạt động theo chức năng của nó. Hoạt động trong hài hoà cả ở bên trong, với thế giới bên ngoài. Với cả môi trường chung quanh, người và vật.

Bài đọc 2, thánh Phaolô cũng có nói đến sự toàn vẹn này, khi thánh nhân nhắc nhở giáo đoàn Côrinthô về Đức Giêsu: “Ngài vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo, vì anh em. Để anh em nên giàu có, từ cái nghèo của Ngài” (2Cr 8: 9) Chúa chịu mình trần trên thập giá, là để đổ tràn tình yêu xuống cho ta. Ngài ban sự sống của Ngài, để ta được sống. Và vì thế, Ngài sẽ sống mãn đời. Và nhờ đó, ta trở nên giàu sang phú quý.

Thánh Phaolô lấy đó làm mẫu mực, để giáo dân ở Côrinthô biết mà sẻ san bất cứ thứ gì làm được cho những người anh người chị nghèo khó hơn họ, trong Hội thánh. Có điều là, cả vào khi ta san sẻ cho người khác, không phải là được kỳ vọng cho đi những gì ta cần có cho chính mình, nhưng là những gì ta có dư. Và khi ta san sẻ của thặng dư cho người đang có nhu cầu nhiều hơn, ta sẽ hy vọng được đối xử cùng một cách như thế, những khi cần.

Xử sự theo cách này, cuộc sống sẽ quân bình hơn. Và, thánh Phaolô đã trích dẫn Kinh sách Cựu Ước nói rằng: ai tích tụ nhiều sẽ chẳng có được bao nhiêu, nhưng ai tích luỹ ít, cũng sẽ không thiếu hụt.

Đây chính là mẫu mực của cuộc sống cộng đoàn, trong xã hội. Xã hội Cộng sản đáng lý ra đã phải làm như thế. Nhưng ngày nay, chỉ còn mỗi cộng đoàn dòng tu mới đích thực biến phương cách sống ấy thành hiện thực. Phương cách ấy, là “làm theo khả năng, nhưng hưởng theo nhu cầu.”

Thành phần của việc chữa lành trong toàn bộ cộng đoàn ta sống, là sự toàn vẹn dựa trên sự thật, tình yêu, lòng xót thương và ý nghĩa công bằng đích thực cho mọi người. Và đây chính là sự thánh thiêng, bởi lẽ Thiên Chúa Đấng Thánh Thiêng là thành phần vẹn toàn của sự trọn vẹn. Ngài được biết với Danh hiệu Đấng tạo Dựng, Gìn Giữ và Cùng Đích của tất cả những gì ta phải là và có thể trở thành. Là, tất cả chúng ta đã, đang và sẽ trở thành, như thế.

Vào buổi tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong sao Đức Giêsu, Đức Chúa của sự sống giúp ta đạt đến mức độ ấy. Mức độ của sự lành mạnh, toàn vẹn và thánh thiêng, ta vẫn được mời gọi để đạt đến.

Trong nhận thức là như thế, ta sẽ cùng mọi người cất tiếng lên hân hoan, mà hát rằng:

“Lòng ta hân hoan trong tiếng hát say sưa nhịp nhàng vang

Bao em thơ vui múa khúc ca say theo điệu đàn

Lửa bập bùng rọi sáng mái đầu còn ấm hương đời

Vui lên đi!

Ca lên đi!

Reo lên đi!

Đời thêm tươi! (Văn Phụng – Vui Bên Ánh Lửa)

Trong yêu thương lành mạnh, vẹn toàn, ta sẽ không còn lo bi thương, “khạc hồn ra khỏi miệng”. Nhưng vẫn cứ reo vui, cho đời thêm tươi. Tươi vui, vì được Chúa chữa lành. Được lành mạnh. Lành thánh. Rất toàn vẹn.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh.

Mai Tá diễn dịch

No comments: