Saturday 27 February 2010

“Thấp thoáng hè qua đài phượng rụng”


Lào rào thu muộn lá soan rơi
Tay trong tay nắm, tình trong mắt
Lòng bốn mùa xuân, nguyệt bốn trời.

(thơ Vũ Hoàng Chương)

Lc 13: 1-9

Xuân bốn mùa/tình trong mắt, là tâm tình người xưa, xôn xao nói. Lào rào thu/trong tay nắm, là tình Chúa xót thương, nguyệt bốn trời. Xót thương – nhân từ, Ngài thường ban cho dân con trong/ngoài Đạo, nhiều tình tự. Tình tự ấy, thánh sử còn ghi ở trình thuật, bấy lâu nay.

Trình thuật hôm nay thánh Luca nhấn mạnh đến tình Chúa thương yêu, không xoá nhoà. Không phôi pha. Không thay đổi. Tình Ngài rày thể hiện, một chữ Yêu. Yêu, là bản chất cốt thiết của Đức Chúa. Là, căn tính của Ngài. Nên, không thể nào không yêu. Yêu, là hơi ấm mặt trời, Ngài thổi tới. Cho người lành/kẻ dữ. Xấu/tốt, Ngài đều yêu. Đều, gửi đến chúng ta lời gọi mời hãy bắt chước Ngài mà thương yêu. Giùm giúp. Không điều kiện.

Liên tưởng đến Chúa là Đấng thương yêu rất mực, ta cũng nên bỏ qua một bên, những ý nghĩ sai trái về một Đức Chúa, rất giận dữ. Chuyên trừng phạt thế giới nhân trần. Tội lỗi. Bằng tai ương. Sầu khổ. Chết chóc.

Hãy xác tín rằng: tình Chúa thương ta vẫn cứ thế. Tình Ngài chẳng đổi và cũng chẳng thay. Dù, con người có tệ bạc trong hành xử, cách mấy nữa. Hiểu như thế, không có nghĩa là ta cứ đâm đầu làm liều, cả điều tốt/xấu, hay/dở rồi nghĩ rằng làm gì thì làm, Chúa vẫn thương yêu. Tha thứ. Rộng lượng. Mà, phải nghĩ là có 3 sự việc xảy đến qua bài đọc hôm nay, để răn đời:

-Ta không thể đạt được ơn cứu độ trọn vẹn, mà không do Tình Chúa xót thương, Hộ phù.

-Chúa chẳng khi nào trừng phạt con người chỉ vì họ hành xử tệ bạc. Với Chúa. Với nhau.

-Chúa sẽ không ban ơn cứu độ, nếu việc ấy đi ngược ý của ta, hoặc ta không hợp tác, với Ngài.

Quả thế. Dù, ta có lỗi phạm, Chúa vẫn thương yêu. Vẫn làm thế. Với hết mọi người. Dù, người người có làm trái ý Ngài. Vẫn phạm lỗi, tức: không còn yêu thương Chúa. Và, sẽ bỏ Ngài. Ngài vẫn cứ yêu. Bởi, tình yêu là động thái đến từ hai phía. Có tích luỹ. Yêu, chỉ mang tính trọn vẹn, khi đó là động thái hỗ tương. Thành thử, tình Chúa đối với ta sẽ không đầy tràn/trọn vẹn, nếu ta không mở lòng ra mà đón nhận. Mà, yêu thương Ngài. Khi ta lỗi phạm, Chúa vẫn yêu. Có khác chăng, chỉ một điểm: do chính ta dừng lại. Đóng lòng mình. Không yêu Chúa. Và như thế, chính ta cũng đã phá bỏ quan hệ yêu thương. Với Chúa.

Trình thuật hôm nay, có người đến với Đức Giêsu kể cho Ngài nghe chuyện người dân thành Galilê bị lính La Mã giết chết. Kể như thế, có phải họ muốn kích động Chúa, vốn là người Galilê, để Ngài chống lại nhà cầm quyền La Mã, ư? Để trả lời, Chúa kể về một sự kiện khác, và hỏi họ: “Phải chăng những người ấy chết vì tội của họ? Phải chăng đây là cách Chúa phạt? Nếu ta không bị như thế, phải chăng ta vô tội?”

Thường trong đời, ta vẫn nghe những lời bình về án phạt của Chúa, tựa như thế. Nói rõ hơn, ta gặp nhiều người cứ hỏi: nghe nói Chúa yêu thương loài người, mà sao không ngăn chặn khổ ải khỏi phải xảy ra? Nói thể, há chẳng kết luận rằng Chúa là tay phù thuỷ giật giây con rối, mà thôi, sao?

Khi có máy bay bị đám khủng bố đặt bom cho nổ, có ai dám bảo lỗi là do hành khách đáng nhận cái chết thàm như thế? Khi cả ngàn người chết tức tưởi vì thiên tai/khổ ải, phải chăng do Chúa phạt? Dịch bệnh SIDA ở Châu Phi có là cách Chúa phạt dân thường về tội dâm dục? Nếu như thế, dân lành ở huyện nhận máu cứu cấp, và trẻ em bị lây SIDA từ cung lòng người mẹ, cũng có tội sao? Chúa nào lại tệ bạc đến như thế? Chúa bớt thương yêu loài người sao? Người sống, có về với Chúa hơn không?

Lời Chúa cảnh báo:“Nếu không sám hối, các ông cũng sẽ chết như vậy.”(Lc 13: 5) Sám hối -tiếng Hy Lạp là metanoia- không chỉ là niềm ân hận chuyện đã qua, nhưng còn là: hồi hướng trở về, để thay đổi toàn diện lối sống của mình. Sống đáp trả. Và, mở lòng đáp ứng với Tình yêu của Thiên Chúa.

Điều Chúa nói ở trình thuật hôm nay, mang ý nghĩa sau đây:

-Ta thành công vượt trội trong đời sống. Có tiền của dư dật. Có nghề nghiệp/địa vị vững chãi… chưa chắc chứng tỏ ta là người tốt. Không lỗi phạm. Hoặc, được Chúa thương hơn. Về việc này, Đức Giêsu đã nói rõ, ở Tin Mừng:

-Cuộc sống khổ đau, không có nghĩa: vì Chúa hết thương ta; hoặc, vì ta tội lỗi nhiều.

Quả thật, kinh nghiệm sống ta từng trải, là dấu hiệu cho thấy tình Chúa vẫn thương ta. Dấu hiệu, ta vẫn được chúc phúc. Chúc phúc nhiều, với đầy đủ tinh thần, cảm xúc, vật chất, cốt để ta san sẻ với người khác. Ngõ hầu, ta trở nên máng tình yêu Chúa đổ tràn cho mọi người. Thiên tai. Bệnh tật. Thất bại, hoặc sầu khổ, là thông điệp Chúa gửi, để qua đó, ta thấy được dấu hiệu tình thương Chúa hiện diện. Nói cho cùng, ta có gặp nghịch cảnh mới lớn lên. Mới gần gũi Chúa. Gần, anh em đồng loại.

Tật bệnh quái ác như SIDA/ung thư, tuy nghiệt ngã, nhưng đã lôi kéo bạn bè/người thân về với yêu thương. Ấp ủ. Chăm sóc. Giàu sang/khoẻ khoắn thường dẫn con người, về với ích kỷ. Với cá nhân chủ nghĩa. Để rồi, ta quên đi mọi người. Bởi, nơi nào có tình yêu, ở đó có Chúa. Nơi nào không có Chúa, người người khó kiếm tìm tình yêu đích thực.

Bài đọc 2, thánh Phaolô nói về sự kiện dân Do thái theo chân Môsê đi vào chốn hoang vu sa mạc:“Tất cả đều ở dưới cột mây (tức có Chúa). Tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Cùng chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo Môsê. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng. Cùng uống một thức uống linh thiêng (do Môsê lấy từ đá là Thiên Chúa); nhưng, phần đông không làm đẹp lòng Chúa; bằng chứng là họ đã ngã qụy, ở sa mạc.” (1Cr 10: 1-5)

Cậy vào căn cước của người được rửa tội, không bảo đảm ta là người có ý thức/trách nhiệm. Nhận thanh tẩy. Xưng tội/rước lễ rất đầy đủ, chưa chắc đã đảm bảo là mình yêu Chúa. Là, mình thương yêu đồng loại. Bởi, rõ ràng là nhiều vị tham dự thánh lễ như cỗ máy, rất vô tình. Vẫn nhiều năm, mọi người đều đi lễ. Đều xưng tội đầy đủ “lễ nghi quân cách”, nhưng cuộc đời họ có dấu hiệu gì là tiến bộ. Có chứng tích gì là mình triển nở, có trách nhiệm. Bởi, lần nào cũng xưng bấy nhiêu tội. Đôi lúc không xưng, vì không còn gì để xưng. Khi ấy hãy xét xem, như có gì đang xảy ra trong đời đi Đạo, của mình.

Bài đọc hôm nay cũng yêu cầu ta nhìn về lại con người mình. Nhìn, để xem mình có là cây vả khô trái, nơi trình thuật? Tuy sống đấy. Nhưng không cho hoa. Cho quả. Chủ vườn phải xin thêm một năm nữa, để vun xới. Nhưng, nếu sau một năm mà nó vẫn không cho trái, cũng nên cắt bỏ.

Mùa Chay, vẫn là dịp thuận lợi để ta chăm bón cây vườn đời mình. Chăm, để xem nó có đậu quả. Có, sinh hoa kết trái không? Với nhiều người, đây có thể là năm cuối. Mùa Chay cuối. Để, họ có dịp chăm bón cây cuộc sống. Người Công giáo, được gọi mời không chỉ để sống như Công giáo. Sống, vẫn thế. Chẳng sinh sôi. Nẩy nở. Nhưng ngược lại, ai cũng đườc mời gọi trở nên con người đích thực. Biết yêu thương. Yêu Chúa. Thương hết mọi người đang chung sống. Với chính mình.

Ta cần ví dụ cụ thể, ư? Hãy tự hỏi lòng mình xem mình đã tạo được ảnh hưởng gì tốt đẹp, trong gia đình. Chòm xóm? Sở làm? Mình có thái độ thế nào với người dưng khách lạ, tức: những người không giúp ích điều gì, cho ta? Hãy hỏi xem, mình đã đóng góp được bao nhiêu. Cho thế giới? Đóng góp được gì, trong nỗ lực gầy dựng cộng đoàn lành mạnh, nơi ta sống. Nói cách khác, mình làm được những gì để dựng xây xã hội mình sống, cho tốt đẹp? Phải chăng, chỉ thoả mãn tham vọng riêng tư? Chỉ làm giàu/làm tốt cho gia đình, của riêng mình?

Cũng nên nhớ, tín hữu Đức Kitô cần chứng tỏ rằng: Chúa ở đâu và bao giờ cũng vẫn yêu ta. Tình yêu của Ngài chỉ hoàn tất, khi ta trở thành người biết thương yêu/giùm giúp hết mọi người. Thương đích thực. Yêu thật tình. Yêu thương, cả trong lời nói. Lẫn hành động.

Chẳng nên sợ Chúa, quá mức. Ngài đâu đã phạt, một ai. Ngài đâu đã trừng trị thế giới tội lỗi. Mỗi người trong ta, đều có quyền chọn lựa. Chọn, đến với Ngài. Chọn cuộc sống biết tỏ bày tình yêu của Ngài, đối với ta. Chọn, để mở lòng mình với Ngài. Chọn, nhưng không như người con đi hoang chọn đường xấu, cho riêng mình. Anh chọn xa Chúa. Xa Cha. Để rồi, tự đầm mình nơi vũng lầy cuộc đời, rất đáng thương. Ta chọn sao thì chọn. Chúa vẫn chờ. Ngài vẫn đợi ta quyết tâm. Trong âm thầm.

Trong đợi chờ một chọn lựa, ta hãy cùng hát lên lời quyết tâm chọn Chúa. Mọi ngày. Mà hát:

“Tôi, vẫn cứ tin luôn

tin rằng Ngài luôn thương tôi.

Tôi, vẫn cứ tin luôn

cho dù gặp bao gian nguy.” (Thành tâm – Nếu)

Gặp hay chưa gặp. Có gian nguy. Đói khổ. Sầu buồn. Hãy cứ: “tay trong tay nắm, tình trong mắt”. “Lòng bốn mùa xuân”, quyết vẫn tin. Tin, Ngài thương ta. Tin, ta thương Ngài. Mãi mãi. Khôn nguôi.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

No comments: