Saturday 3 April 2010

“Nhánh cây tình, trổ nhiều lá mới”


Lá vẫn phơi sầu, trên nắng hanh.

Một thuở nào xa, anh đã tới,

Rồi cũng vô tình, như lá xanh.”

(thơ Hoàng Hương Trang)


Ga 20: 19-31


Cây tình ngoài đời, trổ lá mới. Người Tình trong Đạo, hồn vẫn xanh. Hồn xanh cây tình, người nhà Đạo, nay đón Chúa Phục Sinh. Có người còn sợ. Có kẻ chưa tin.


Mừng đón Chúa Phục Sinh, người người nay xử khác. Khác, như sách Công vụ Tông đồ, đã viết: “Người ta còn khiêng cả những người đau ốm ra tận đuờng phố đặt trên giường, trên chõng; để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó.” (Cv 5: 15)


Trong cùng khí thế chào đón Chúa Sống Lại, các thánh còn kể:“Nhiều người, từ các thành chung quanh Giêrusalem, cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành.” (Cv 5: 16).


Được chữa lành, họ mời gọi mọi người tung hô Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ. Nhưng không phải tất cả mọi người đều làm như thế. Bài đọc 1, diễn tả một tình huống khác, ngay ở đầu: “Không một ai dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì ca tụng.”(Cv 5: 13) Điều này cho thấy, Hội thánh thời tiên khởi đã bị nhóm cầm quyền Đạo/đời rất nghi kỵ. Dè chừng. Trong khi dân con Chúa, lại tận tình chiêm ngưỡng.


Trình thuật thánh Gioan, nay đưa ta về với thời đầu, ở đó các thánh vẫn ngại ngần. Vẫn hãi sợ người Do Thái truy bắt. Sợ giới cầm quyền lùng tìm đồng phạm có mưu đồ lật đổ. Và, trong thoáng chốc, Thầy Chí Ái đã hiện diện giữa các ngài, với lời chúc: “Bình an cho anh em!”


“Bình an”, là một chúc phúc, vang vọng một lời mừng mà mọi người Do Thái vẫn gửi đến cho nhau, qua câu chào hỏi, rất “shalom”. Chúc phúc đây, là sự thể “Được Chúa ở cùng.” “Được sự bình an đậm sâu” Chúa đã làm. Như Ngài từng làm, khi cuồng phong dậy sóng, ở Biển Hồ. Xứ Galilê.

“Các môn đệ mừng, được thấy Chúa”, là niềm vui an bình, được có Chúa. Danh xưng Chúa được thánh Gioan lần đầu sử dụng, để nói lên việc Đức Giêsu Phục Sinh. Là, chính Chúa. Mừng Chúa Phục Sinh, không chỉ quây quần ngày tái ngộ; mà còn thể hiện công tác được Chúa khởi sự và trao ban: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”(Ga 20: 21) Mừng Chúa Phục Sinh sai đi, còn bao hàm công tác thừa sai/mục vụ, mà mọi dân con theo Chúa, nay nhận lãnh. Chấp hành.


“Người thổi hơi vào các ông, và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Với thánh Gioan, đây là kinh nghiệm từng trải về Hiện Xuống, với môn đồ. Với thánh Luca, lễ Hiện Xuống/Ngũ Tuần chỉ xảy đến, vào 50 ngày sau Phục Sinh. Hai trình thuật, tuy có khác. Nhưng, vẫn mang nặng cùng ý nghĩa.


“Người thổi hơi” vang vọng câu truyện Sáng tạo trời đất. Vũ trụ. Con người. Ở thời đó, Thiên Chúa cũng “thổi hơi” thiết dựng con người theo ảnh hình của Ngài. Thổi hơi, nay đi vào hiện thực. Tức là, Ngài thực hiện cùng một động tác “trao ban” Thần Khí của Đường. Sự thật. Và, Sự Sống. Trao và ban, để rồi Ngài biến tất cả thành bản thể mới, tràn đầy Thần Khí của Cha. Và, Đức Kitô.


“Người thổi hơi”, là Ngài trao quyền uy sức mạnh của Ngài cho các thánh. Như Ngài từng căn dặn: “Anh em tha tội cho ai, người ấy được tha.” Nghĩa là, khi các thánh hành động nhân Đức Giêsu, các ngài đều có chung một thẩm quyền, rất như thế. Trước hết và trên hết, công tác của các thánh sẽ là: “tha thứ”. Tức, công việc hoà giải/hoà hợp con dân với Chúa. Với nhau. Tha, để tất cả nên một. Với Ngài. Và, trong Ngài.


Tha thứ, không chỉ là động thái mang tính pháp lý. Mà còn là một xác tín. Xác tín rằng: tội và lỗi không còn chế ngự một ai. Tha tội và thứ lỗi, là chữa lành mọi khuyết tật gây cách chia dân con, khỏi Đức Chúa. Cách và chia người người, với nhau. Chữa lành mọi tật, để rồi tất cả sẽ lại trở thành người anh/người chị trong gia đình. Gia đình mới, đặt căn bản trên sự thật. Tình yêu. Công lý. Đó, là công việc của Nước Trời. Đó, là động thái của mọi thành viên trong Cộng đoàn dân Chúa, ở trần thế.


Tuy nhiên, câu chuyện nay không ngừng ở đó. Đã có vấn đề của “Tôma”, một thành viên trong Nhóm Mười Hai. Ông không có mặt vào lễ Vượt Qua, Chúa Sống Lại. Chuyện thánh Tôma, tỏ lộ tính nghi ngờ. Là, chuyện xảy đến với mọi người. “Nếu tôi không thấy dấu đinh… sẽ chẳng tin”. Đây, cũng là thói quen ở đời thưòng, của mọi người. Thói quen, đời thường phải có chứng cớ. Để thuyết phục. Trước tất cả các sự kiện trong đời. Của mọi người.


“Tám ngày sau, có ông Tôma ở đó … các cửa đều đóng kín.” Cửa đóng kín, không là dấu hiệu cho thấy các thánh, vẫn còn sợ. Nhưng tỏ rõ: Chúa đã hiện diện. Lại nữa, Chúa còn chúc “bình an” cho các thánh. Ngài trực tiếp nói với đồ đệ “cứng lòng tin” Tôma: ”Hãy đem ngón tay ngươi đặt đây, này tay Thầy…Đừng ở như người cứng tin. Mà như người thành tín.” (Ga 20: 27)


Tiếp theo đó, là lời tuyên tín của toàn bộ Tin Mừng theo thánh Gioan: “Lạy Chúa tôi, và là Thiên Chúa của tôi.” Thánh Tôma được Chúa mời hãy sờ chạm vết thương, của Ngài. Nhưng chừng như ông không làm việc ấy, bằng tay chân. Mà chỉ xác chứng niềm tin của mình, không dựa trên chứng cớ của cảm xúc. Ông không nói: Lạy Thầy. Chính là Thầy, đây rồi”. Nhưng nói: “Lạy Chúa tôi, và là Thiên Chúa của tôi.” Đây là hành động có niềm tin thực thụ. Tin vào Đấng đang ở trước mặt mình. Đó là điều mà thánh Tôma có thể không thấy bằng cặp mắt thịt của ông. Nhưng, lại thấy bằng cặp mắt của niềm tin. Chính vì thế, ông mới nói lên. Như thế.


“Phúc thay những người không thấy mà tin”(Ga 20: 31), là câu nói đầy phấn kích, để nhắn gửi những ai không có được diễm phúc “thấy” bằng niềm tin như thánh Tôma. Đành rằng, tin vào Đức Kitô, bao gồm một số yếu tố “Thấy”. “Nhìn”. Và, “Nhận thức”. Diễm phúc này, dành cho những ai không thấy và không biết Đức Giêsu trong đời công khai phục vụ, của Ngài. Trước ngày Chúa chết. Trên thập giá.


Lại nữa, niềm tin giúp ta “thấy” Chúa nơi môi trường, ta đang sống. Đặc biệt hơn, nơi những người dẫy đầy/ngập tràn Thần Khí Chúa. Nơi, những người đem Chúa vào cuộc sống. Của chúng ta. Nơi những người, thấy được Ngài qua kẻ ốm đau. Tật bệnh. Nghèo hèn. Những người đang bị áp bức. Ở quanh ta. Những người, mang đến cho ta cơ hội ngàn vàng để biết. Để yêu. Và, minh chứng lòng vị tha. Ta có với Chúa.


Thấy được Ngài, là thấy Ngài hiện diện nơi thù địch của ta. Nơi, những người quyết hại ta. Hại, theo nghĩa: ta đang gặp thách thức trở thành Kitô-khác. Đối với họ. Thách và thức, để xem ta có dám thực hiện tình thương yêu vô điều kiện. Có, quan tâm săn sóc, hết mọi người, không.

Thấy được Chúa trong đời mình, là nhận ra rằng: Ngài đang đến với ta. Qua, tất cả mọi sự. Thấy được Ngài, là: ta tỏ ra rằng mình sẵn sàng tạo cơ hội đem Chúa đến với mọi người. Mọi ngày. Trước hết và trên hết, là tự hỏi: mình đã sẵn sàng nhận bài sai Chúa gửi, theo tư cách đồ đệ của Ngài, không? Tự hỏi và tự nhủ: phải trở thành người hoà giải/hoà hợp. Tác tạo bình an. Phá đổ mọi rào chắn của ghét ghen. Hờn giận. Thành kiến. Hãi sợ.


Muốn làm thế, ta phải quyết sống trọn vẹn, đời yêu thương. Giùm giúp. Xót thương. Sống công bằng. Với mọi người. Làm được thế, mới đúng ý nghĩa mừng Phục Sinh, cho phải lẽ. Có làm thế, Chúa mới sống thực nơi ta. Và, trong ta.


Trong quyết tâm như thế, ta hãy cất lên lời ca yêu thương thuở nào, nay cứ hát. Hát rằng:


“Ngồi kề bên nhau cất tiếng ca, say tình chan hoà,

Ngàn mây xanh cùng sống ngút ngàn xa,

Đời thắm tươi như ngàn hoa,

Nắng say say như vang tiếng cười… thiết tha yêu đời.”

(Trường Kỳ - Tình Yêu Trong Đời)


Thiết tha yêu đời. Và yêu người. Vì có Chúa hiện diện, ở trong đó. Vì người người đều phải là và sẽ là Kitô-Khác. Rất yêu thương. Yêu, như “cây tình trổ lá mới”. Vẫn rất xanh.


Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.


(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: