Saturday 19 June 2010

“Anh phải về thôi, xa em thôi”


Hoàng hôn yên lặng cũng theo về

Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc

Mà lời từ biệt chẳng lên môi.

(thơ Hoài Vũ)


Lc 9: 51-62

Anh về thôi. Xa em. Chẳng vì hoàng hôn yên lặng, giọt nắng cuối. Anh phải về, chắc bởi vì lời từ biệt chẳng lên tới bờ môi. Xa xôi. Một tâm tình. Tình ngoài đời, chỉ như thế. Rất chia phôi. Tình nhà Đạo, nay vẫn khác. Không phôi pha. Không, choáng rợp hoàng hôn yên lặng. Nắng rơi trên tóc. Nhưng, vẫn vui. Vui vì đợi chờ. Chờ anh chờ chị, chuyển lời Chúa bảo ban. Rất khích lệ.

Trình thuật Chúa bảo hãy theo Ngài mà đi muôn hướng. Hãy cứ đi. Đi đi, mà chẳng cần từ biệt. Trăn trối. Với một ai. Đi, như lịch sử thánh còn ghi rõ:“Tới ngày Đức Giêsu siêu thăng, Ngài quyết đi Giêrusalem, sai phái môn đệ đi trước.” (Lc 9: 51). Đi Giêrusalem, là để Ngài thể hiện cứu cánh cuộc đời, ơn cứu rỗi. Bởi, cũng tại Giêrusalem nơi đây, đồ đệ Chúa tụ họp thành cộng đoàn quyết thực hiện tiếp công trình, Ngài khởi xướng. Cũng từ đây, ý định cứu rỗi được Ngài bộc lộ, cho muôn người.

Đi Giêrusalem, vì đó là chốn thiêng Chúa hoàn tất kế hoạch Cha giao phó. Thoạt khi đến, Ngài đã thiết lập mẫu gương, và thử thách. Để dân con đồ đệ, cùng gia nhập. Cùng công trình. Hầu sẵn sàng chấp nhận bài sai Chúa vẫn gửi.

Chúa kêu mời dân con mọi người đi Giêrusalem mà theo Ngài. Người mở tai nghe lời mời, thật cũng nhiều. Nhưng, người đáp ứng lời gọi chẳng bao nhiêu. Chỉ có 3 nhóm. Nhóm người đầu, rất sốt sắng. Quả cảm. Quyết bảo rằng: Ngài đi đâu con theo đấy. Rất hăng say. Phấn khởi, nhưng chỉ lúc đầu thôi. Chợt đến khi giáp mặt thực tại, lại ngại ngần. Đắn đo. Lo lắng. Chí ít, là lúc Ngài biểu tỏ: “Chồn có hang, chim có tổ nhưng Con Người không có chỗ gối đầu.” (Lc 9: 58)

Không chốn gối đầu, tức: Ngài chẳng có gì, từ tiền tài. Danh vọng. Đến, cơ ngơi. Bất động sản. Nhất nhất, vẫn là không. Nhóm thứ hai, cũng muốn theo Chúa. Nhưng, lại lần lữa: hãy để tôi về chôn cất cha tôi đã.” Bởi thế nên, mới được Chúa dặn dò: “Hãy để kết chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, hãy đi rao báo Vương Quốc Nước Trời.” (Lc 9: 60). Nhóm này những muốn vuông tròn bổn phận người làm con, trước khi nghĩ đến người khác.

Thật ra khi Chúa khuyên bảo hãy bỏ mọi sự mà theo Ngài, Ngài đâu bắt ta chối bỏ tình thương và bổn phận của ta với gia đình. Điều Ngài muốn, là: hãy biết sắp xếp thứ tự ưu tiên, cho phải lẽ. Đòi hỏi dựng xây Nước Trời, tức thế giới của Sự thật. Của, lòng xót thương. Công lý. Tự do và an bình. Vẫn là ưu tiên cần đặt trước nhất. Đành rằng, đây là đòi không dễ bề hiện thực. Trong khi đó, người nghe dạy vẫn cứ vòng vo. Nên, khó đến đích.

Nhóm thứ ba, cũng muốn theo chân Chúa, đi Giêrusalem. Đi khắp bốn phương trời, để phục vụ. Nhưng, những người như anh thanh niên trong truyện kể, chỉ muốn sắp xếp cho dứt đoạn mọi công tác tư riêng, của chính mình. Nói nôm na, tức là: vẫn cứ vui chơi trước đã. Rồi tính sau. Thành thử, muốn trở thành đồ đệ đích thật của Chúa, thật chẳng nên chần chừ. Do dự. Bởi lời mời gọi, là gọi và mời ở đây. Hôm nay. Câu đáp trả, phải là bây giờ. Chỗ này. ngay tức khắc. Nhắc chuyện “cầm cày”, Chúa ám chỉ điều Cứu Ước nói đến, ở bài đọc 1.

Bài đọc 1 diễn tả cũng một cảnh “Êlia ra đi gặp Êlisha con ông Saphát đang cày ruộng.” Và thực tế, Êlisha những muốn từ biệt cha mẹ mình, nhưng đã kịp nghĩ ra, là: thày muốn mình đi ngay. Và, Êlisha sử dụng hết phương tiện sinh sống của mình, gồm cặp bò giết đi mà lễ tế. Lấy cày làm củi, hai tay không theo thày. Phục vụ thày.

Truyện kể ở Cựu Ước, không có ý khuyên mọi người xử sự từng chữ theo kiểu của Êlisha. Nhưng, muốn để ta suy tư về những gì khiến ta ngại ngần mà theo Chúa. Rào cản ấy, có thể là phương tiện vật chất. Cảm xúc. Hoặc, tài sản trí tuệ. Tức, những gắn bó ta vào với ham muốn vật chất. Thế trần. Cũng có thể là: những âu lo. Sợ hãi. Sợ, quá khứ. Hãi, tương lai. Nhất nhất mọi sự đều có thể gây ảnh hưởng lên quyết định ra đi, của mỗi người. Thực tế, ta mới chỉ sống có nửa đời. Hoặc, mới chỉ sống cuộc đời của người khác. Chứ không phải của riêng mình. Đó là điều thánh Phaolô muốn nói đến.

Bài đọc 2, thánh Phaolô nhấn mạnh đến tự do con cái Chúa, rất như sau: “Chính để chúng ta được tự do, mà Đức Kitô đã giải thoát.” (Gl 5: 1) Thánh nhân muốn nhấn mạnh điều này, là bởi cộng đoàn Galát vẫn còn nhiều người vừa hồi hướng trở về, đã bị thúc bách quay lại với lề thói cũ xưa của người Do thái. Điều trớ trêu, là: giống nhiều người, họ cũng lo sợ cho tương lai khi được giải thoát khỏi cảnh nô lệ. Đoạ đày.

Ngày nay cũng thế. Làm sao có được tự do, khi mình vẫn tự đoạ đày bằng những thói tục xưa xấu, như: thách thức giới có thẩm quyền với mình. Cứ ngang nhiên mà hút sách. Cứ phà khói thuốc lên mũi mắt của người khác. Hoặc, mở lớn âm thanh thùm thụp, điếc tai hàng xóm. Lái xe, thì hung hãn rú tay ga. Chẳng kiêng nể nhường nhịn người cùng đường, chung lối. Chỉ là người tự do, khi biết quan tâm đến người khác. Khi nhu cầu của người là thành chuyện thiết yếu đối với mình. Khi nhìn người đích thực là những người anh/người chị, cần ta giúp.

Thánh Phaolô còn cảnh báo: “Anh chị em đã được gọi để sống tự do. Nhưng, đừng lấy nê tự do để sống theo xác thịt. Trái lại, hãy lấy lòng mến mà phục vụ nhau.” (Gl 5: 13) Sống tự do, không có nghĩa: lẩn tránh thực tại cuộc đời, đầy ngang trái. Nhưng, can đảm mà giáp mặt nó. Sự sống có tự do, là chấp nhận mọi trọng trách để phục vụ ai đó. Chứ không phải để đổ vấy mọi trách nhiệm về những sai quấy. Vỡ đổ, lên người khác. Tức, dùng người khác làm vật tế thần.

Sống tự do, còn có nghĩa: nhất quyết không đeo bám, ỷ lại vào tiền tài, vật chất. Hoặc, của cải. Danh chức. Địa vị. Cả đến những thành tựu chói sáng, chỉ mang tính hợm hĩnh. Hời hợt. Chóng qua. Sống tự do con cái Chúa, đích thực là những người chỉ muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Một thế giới biết bảo vệ sự thật. Biết quan tâm, san sẻ những gì mình có với người khác. Một thế giới an ninh và hoà bình. Người có tự do, không chủ trương tước đoạt những thứ hay đẹp, khỏi kẻ khác. Nhưng, san sẻ chính mình. San và sẻ, trong tinh thần cho đi chứ không nhận vào.

Tự do như thế, ngoài Đức Kitô ra, ta vẫn thấy có nơi các vị như Êlisha. Phaolô. Hoặc, Giàm mục Oscar Romero. Mẹ Têrêxa thành Calcutta. Maximilian Kolbe. Dietrich Bonhoeffer và nhiều người khác. Tất cả, đều đã biết nói tiếng “Vâng” với Chúa. Với cuộc sống, dù thâm trầm. Khổ đau. Tự do, là biết theo Ngài đi Giêrusalem, không điều kiện vẫn đặt trước. Là, quyết đặt tay lên chiếc cày xới đất, không ngoái lui. Có thế, mới xứng đáng là dân con Đức Chúa. Mới gọi mình, là “Công giáo”. Chính tông. Đạo ròng.

Trong hiên ngang tự hào, làm con Chúa, rất tự do, ta cứ hát lên lời ca đầy phấn chấn, rằng:

“Kìa cô nhi không chút tình thân,

Đây lớp tàn nhân

Năm tháng đau thương thầm trôi

Cùng cương quyết góp sức đồng tâm,

Muôn dân vui, một đời vàng sáng tươi.”

(Hùng Lân – Cô Gái Việt)

Không cần biết cô nhi kia/cô gái ấy, có là người Việt. Cũng chẳng cần hiểu người Việt này/ anh Tây kia, có là người Công giáo, đúng hay không. Là con dân Đức Chúa, ta vẫn có bổn phận phải chăm lo. Quan tâm mà giùm giúp. Gìum và giúp, để rồi mọi người sẽ khônh ổ thẹn, khi nghe tiếng Chúa mời gọi, đi Giêrusalem. Để, mở mang. Rao giảng. Rất Nước Trời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: