Saturday 10 July 2010

“Môi cười, vết máu chưa se”


Cành hoa gạo cũ, nằm nghe nắng hiền.

Anh nằm nghe bước em lên,

Ngoài song lá động, trên thềm áo bay.”

(thơ Trần Dạ Từ)

Lc 10: 38-42

Nghe bước em lên. Có thể là, bước chân êm của nắng. Nắng hiền hoà. Không vết máu. Có áo bay. Văn chương thi phú thời nay, hay đến là tuyệt tác. Tình tự nhà Đạo bây giờ, luôn chờ khách quý. Như trình thuật, nay diễn tả.

Trình thuật thánh Luca ghi lại tình huống các thánh tông đồ quyết theo Chúa. Mãi khôn nguôi. Theo chân Chúa, là tỏ bày tính hiếu khách, như tục lệ của các dân tộc Ả rập hay Do thái ở Trung Đông, vẫn thường làm.

Ở đô thị Tây Phương, thì lại khác. Khác ở chỗ, đã khiến người miền quê hiếu khách, trở thành nạn nhân của lối sống thị thành. Và, người người nay bắt đầu “cửa đóng then cài”, chẳng cần ai. Chẳng cho ai. Mỗi lần nghe đập cửa, chủ nhà chỉ hé mở, để biết chắc là người gõ cửa có là bạn bè người thân, hay khách lạ, mới ra đón. Căn hộ dân dã khi xưa hân hoan chiều chuộng khách bao nhiêu, nay bỗng thành pháo đài lạnh tanh bấy nhiêu. Lạnh đến độ người khách lạ khó mà bước vào, nếu không báo trước. Vô hình chung, người tự cho mình là “văn minh”, “tân tiến”, “ăn học”, nay trở thành công cụ của thói tục khô cứng. Thiếu tình người.

Bài đọc hôm nay phản ánh cung cách trái nghịch với lối sống của người thời nay. Bài đọc 1, dựng lại bối cảnh ở sách Sáng Thế, là sách nói về tính hiếu khách của vợ chồng ông Abraham tiếp đón người lạ, trên gửi đến. Abraham không những chỉ thưa gửi với người lạ mặt như với một yếu nhân từ phương xa đến, ông còn mời khách ở lại để nghỉ ngơi. Ăn uống. Có tục lệ rửa chân. Rất ân cần. Chính vì lòng hiếu khách ấy, yếu nhân nhà trời hứa cho ông bà một mụn trai để nối dõi tông đường. Đây, sự lạ xảy đến không chỉ với vợ chồng ông thôi, mà cả với tập tục người Do thái nữa.

Tin Mừng này cho thấy một nghĩa cử khác, cũng nói lên lòng đon đả chào đón Chúa. Có lần, Chúa bảo:“Chồn có hang. Chim trời có tổ, chứ Con Người lại không có chỗ ngả đầu.” (Mt 8: 20). Không chỗ ngả đầu, chẳng vì Chúa cứ mải di chuyển, để rao giảng. Nhưng kỳ thực, Ngài đâu muốn dính líu vào với chất vật phàm tục, hoặc quà cáp mà đồ đệ bàn dân cứ dâng tiến. Ngài chỉ muốn dân con theo Ngài, tức những người anh/người chị trong gia đình lành thánh, hãy mở rộng vòng tay mà chào đón lẫn nhau, mỗi khi cần (Mc 10: 29-31). Bởi thế nên, chị em Maria-Martha trong truyện, là những người thực hiện đặc tính rất hiếu khách.

Ở xã hội năng động vội vã, ai mà không thấy tội nghiệp cho Martha cứ vất vả chuyện nấu nướng, với tiếp tân. Trong khi Maria cứ “bình chân như vại” lo mỗi việc chiêm niệm điều Chúa dạy. Thật cũng khó. Ở đây nữa, Tin Mừng không diễn tả việc tranh luận ai đúng/ai sai, nhưng nêu rõ nhiều đặc tính, ta phải có với Chúa. Đặc tính Ngài muốn, là ta biết chọn thứ tự ưu tiên, khi hành xử.

Cũng may là, trình thuật nay ghi thêm đoạn Chúa kể tiếp câu truyện người Samaritanô nhân hiền, hồi tuần trước. Hai trình thuật, kể rõ hai tình tiết rất khác nhau, nhưng lại bổ túc cho nhau. Truyện trước mở đầu bằng ý niệm thánh thiêng, nói về tình yêu với người cận thân. Và cận lân.

Truyện Chúa kể, Ngài dùng để dẫn chứng tình thương yêu phải như hành xử của người Samaritanô nhân hiền, ngoài Đạo. Ngài kể, là kể về thái độ của nhiều đấng bậc nhà Đạo chỉ muốn tránh né các tình huống dẫn đến phiền hà/rắc rối cho riêng mình. Dù, đó có là cảnh tình của người bị nạn. Bỏ rơi. Hay quên lãng.

Trình thuật, cũng cho thấy Martha thực tế hơn, trong công tác tiếp tân phục vụ khách ghé thăm. Có thể là, vào hôm ấy Chúa có đem theo dăm ba đồ đệ cùng đi đến. Thế nên, Martha mới lo âu thái quá, những muốn tỏ bày tính hiếu khách, của người mình. Nhưng ở đây, Chúa đặt nặng vào chiều kích sống động, ở nhiều người. Trong xử thế, Ngài muốn mọi người biết cách mà cân nhắc mọi việc trọng khinh, rất phân minh. Bởi, quan trọng hơn, vẫn là tương quan đích thực giữa con người và Đức Chúa. Giữa con người với nhau.

Cả hai trình thuật nay diễn tả khía cạnh tích cực trong tương quan giữa mọi người. Phải cân bằng. Làm dân con Đức Chúa, không phải cứ lăng xăng/năng động với chuyện yêu thương bác ái, thế là đủ. Cũng chẳng phải cứ bềnh bồng/nổi trôi làn mây vương vấn, mới đúng cách. Nhưng, phải thật tâm biết kết hợp hài hoà cả hai thứ. Đây là điều, mà các nhà chú giải gọi là “sự chiêm niệm năng động”. Đành rằng, cuối cùng rồi thì mọi hiệp thông/chiêm niệm trong sinh hoạt hằng ngày, vẫn là chuyện quan trọng. Còn lại, có hành xử năng nổ hay không chỉ là kinh nghiệm tiếp theo sau, mà thôi.

Chép Tin Mừng, thánh Luca chỉ muốn diễn đạt một số sự kiện tiểu biểu, tuy có khác với các thánh sử khác. Nhưng, khi viết về chuyện ác thần/sự dữ đem Chúa vào đồng hoang/chốn vắng nơi sa mạc, thánh sử vẫn không quên ghi nhận lời cảnh báo của Đức Chúa, nói rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ có bánh.” (Mt 4: 4). Vào lúc có người đến báo cho Chúa biết rằng Mẹ và anh em Ngài đang tìm Ngài, thánh nhân ghi: “Phàm ai làm theo ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời, thì kẻ ấy chính là anh em. Là, Mẹ Ta.” (Mt 12: 50)

Thêm vào đó, khi có nữ phụ cất tiếng khen ngợi Chúa, cùng chúc tụng Mẹ Ngài đã cưu mang Ngài, đã cho Ngài bú mớm, thì thánh nhân đã ghi ngay câu để đời, từ Đức Chúa: “Đúng hơn phải nói: Phúc thay kẻ biết lắng nghe và tuân giữ lời Chúa."(Lc 11: 28) Với trình thuật, nay chính Maria mới là người biết chọn “phần” tốt, hơn ai hết. Tốt ở đây, là biết lắng tai nghe lời Chúa dạy. Thành thử, những ai biết thận trọng để tai ra mà nghe Lời Chúa, kẻ đó ấy mới là người biết hành xử như lòng Chúa mong đợi.

Cuối cùng thì, khi tuân theo điều Chúa chỉ dạy, dân con người người mới thực hiện điều tốt đẹp cho người khác. Biết lo toan, không chỉ cho riêng mình, mà thôi. Nhưng, lo là lo làm thế nào để trần gian cõi đời người người được cải hoán. Hoàn chỉnh. Rất tốt đẹp. Có thế, Nước Trời mới được thể hiện. Có thế, dân con người đời mới thực sự vui hưởng hạnh phúc. Chúa phú ban.

Trong vui mừng nhận ra điều ấy, ta cứ cất tiếng ca vang giòng nhạc đầy phấn chấn, mà rằng:

“Đường đêm sao yên vui, người đi quen lối,

Tình trai nở bốn phương trời.

Đàn em trong cơ ngơi,

Nhờ đêm đưa tới, những ai làm ngát hoa đời.

Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi!

Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi!

(Phạm Duy –Dạ Lai Hương)

Hương đêm. Cơ ngơi. Tình trai, nở bốn phương trời. Ngát hoa đời. Là, những tình tự thân thương của cộng đoàn dân con Chúa. Cộng đoàn ở đó người người biết chiêm ngưỡng. Lắng nghe. Như thái độ Maria chọn, khi gặp Ngài.

Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: