Saturday 28 August 2010

“Thôi em, nước mắt đừng rơi lã chã”


em mãi là hai mươi tuổi

Ta mãi là mùa xanh xưa.

Giữ trọn tình người cho đẹp.”

(thơ Quang Dũng)

Lc 14: 25-33

Nước mắt em, thôi đừng rơi lã chã. Thôi em nhé. Dù tuổi em. Tuổi anh. Và tuổi người, chỉ đôi mươi. Hay, cả một đời. Có là tuổi xanh xưa, tươi mát. Ta giữ mãi tình người. Nhé nghe anh. Cho đời luôn đẹp. Đẹp cả tình người. Tình Chúa. Rất hôm nay.

Tình Chúa hôm nay thánh sử đã ghi chép, để người người cố mà nhớ lấy. Nhớ mãi. Nhớ hoài một tình tự, như Tin Mừng thường vẫn nói. Nói về Tiệc, nơi Vương Quốc. Khiến người người đều vui.

Tiệc Chúa gọi mời mọi người, chẳng ai buồn đến dự. Khiến Ngài phải truyền cho gia nhân chòm xóm, chốn dân gian. Người nghèo, khốn khổ. Người què quặt, đui mù. Rày hãy đến. Đến dự Tiệc, Chúa khẩn mời bằng lời quyết liệt:“Ai đến với Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ của Tôi được.” (Lc 14: 26).

Thoạt nghe Lời, ta tưởng lời là những đối nghịch với ý Chúa muốn tỏ bày lòng xót thương. Như Ngài từng làm với nhạc mẫu thánh Phêrô. Với người Samaritanô. Và, Lazarô. Cùng chị em Maria và Martha? Phải chăng có điều gì đối chọi với lời răn: yêu thương kẻ thù?

So với Tin Mừng khác, Phúc Âm thánh Luca viết là viết cho những người theo Chúa với lời ghi chép rất đanh thép. Triệt để. Nghĩa là, ai muốn theo Chúa, nên đi trọn con đường Ngài vạch sẵn. Là, chấp nhận lối nhìn đời như Ngài muốn. Rồi quyết tâm theo Chúa đi vào hiện thực. Chứ không phải chỉ mỗi cam kết, rất hời hợt. Qua ngày. Như thái độ của người đời vẫn có. Mỗi ngày.

Rõ ràng, thánh Luca không có ý bảo: Chúa chỉ muốn ta tuân giữ lời Ngài, rất nghĩa đen. Tức, không mang ý nghĩa ghét bỏ mẹ cha. Chê cuộc sống, rất hiện tại. Ai hiểu thế, cũng có thể là người ấy sẽ chọn cái chết tự vẫn, mới đúng! Thật ra thì, hờn giận/ghen ghét và bạo động, chỉ là con đẻ của nỗi niềm sợ hãi. Khiếp kinh.

Trái lại, điều mà thánh sử ghi chép, là: ta được mời gọi tỏ lòng xót thương, yêu mến hết mọi người. Dù, họ là ai. Dù, họ chẳng quan hệ gì đối với ta. Tình yêu thực, sẽ đẩy lùi mọi hãi sợ. Hơn nữa, điều Chúa dạy, là: hãy xót thương thực sự như người Samaritanô trong dụ ngôn Tin Mừng. Như lời Chúa dạy khi ta nguyện cầu, cùng Cha. Nói tóm lại, dân con/đồ đệ của Chúa, biết mình thuộc cùng một gia đình. Và cũng biết, rằng: tất cả vẫn là anh chị em cùng nhà. Nhà của Chúa. Rất Nước Trời.

Vẫn là chuyện hệ trọng, nếu ta tiếp tục quan hệ mật thiết với Chúa. Vẫn có tương quan với mọi người anh em trong đời. Dù, họ khác chính kiến. Sắc tộc. Tôn giáo. Nghề nghiệp. Tuổi tác. Giới tính. Cung cách để đo lường mức độ mật thiết trong quan hệ với mọi người, không nằm ở giai cấp/chức năng. Nhưng, là mức độ yêu thương/giùm giúp ta dâng Chúa qua quan hệ với mọi người.

Điều quan trọng cũng chẳng ở vấn đề: ta có được người đời đánh giá thấp/cao? Cho bằng mức độ ta thực hiện chuyện giùm giúp/săn sóc với lòng thương mến, hết mọi người. Chúa gọi mời, là Ngài mời gọi mọi người cứ sâu lắng trong an bình nội tại. Bất luận vai trò/địa vị người ấy có cao sang/thấp hèn, ra sao.

Trong đối xử với mọi người, nếu chỉ thoả mãn ước muốn của người nhà mình, chẳng đếm xỉa gì đến nhu cầu của người khác, thì lúc đó ta đã xử sự không phải phép, với gia đình rộng lớn. Ở khắp nơi. Và như thế, ta đã không coi người khác như thành viên cùng nhà. Không là đồ đệ Chúa, rất đích thực. Chúa đã nói: “Những gì các người không làm cho một người nào trong các kẻ hèn mọn nhất này, là các người không làm cho chính mình Ta.” (Mt 25: 45)

Gia đình. Chòm xóm. Đất nước. Dù sai/đúng, vẫn không là khẩu hiệu tuyên truyền để lôi kéo đồ đệ về với Chúa. Bởi, cũng có lúc ta chối từ thành viên gia đình lớn. Vẫn cứ muốn ta tham gia nhóm hội đoàn thể của họ để rồi đưa ra những hành xử tai hại, thiếu quang minh chính đại. Thiếu xót thương. Ta không thể hỗ trợ người cùng nhà, mà kinh doanh lươn lẹo. Cũng không thể đồng hành chỉ với người thân, để thực hiện những động thái kỳ dị, Phân biệt. Nhưng, hãy chứng tỏ lòng xót thương/yêu mến mình vẫn có, với mọi người. Chứng và tỏ, bằng cách chống đối cách hành xử vô luân. Gây hại. Và, luôn quan ngại cho sự vui sống. Hài hoà. Của mọi người.

Lại có trường hợp tha hoá, của những người bỏ nhà ra đi. Người, chỉ biết làm lợi cho người khác nhưng chẳng quan tâm gì đến máu đỏ ruột mềm. Cùng nhà. Làm thế, là đã trái nghịch lời của Chúa, là Đấng chỉ muốn mọi người thành người thân cận. Rất cùng nhà. Từ đầu hết đến cuối hết, ở mút cùng của cuộc sống. Đó, là sự ghét ghen, mà Chúa chẳng bao giờ khích lệ.

Lòng xót thương/yêu mến mà Chúa nói, được thánh Phaolô diễn rộng ở bài đọc 2. Bằng vào thư gửi bạn Philômênon, thánh Phaolô yêu cầu bạn thân mình đón nhận người nô lệ trẻ độ trước có sai quấy. Nhưng, nay nhờ thánh nhân bảo ban, anh đã qui hồi trở thành người của Chúa. Và, thánh Phaolô cậy nhờ vào lòng xót thương/yêu mến của bạn mà nương tay coi người trẻ này “như người ruột thịt”, “trong khi tôi bị xiềng xích.” Thánh Phaolô muốn bạn mình đối xử với người nô lệ trẻ “như người anh em thân mến.” (Phi 13, 16).

Đó, là tha thứ. Là, đối xử cho phải đạo với người từng qui hồi, về với Đạo. Những người đã hồi hướng/đổi thay, cuộc đời mình. Thay và đổi, để mọi người từ nay quyết tin tưởng. Cậy nhờ. Hơn nữa, là nô lệ hay đã qui hồi làm Công giáo, thì ở tầm nhìn nào đó, anh đã là người anh/người chị đối với chủ nhân của anh, là Philômênon.

“Ghét cả mạng sống mình”, còn là điều Chúa muốn. Tức, ta nên sống cuộc đời xót thương/ yêu mến. Và, tin tưởng. Bởi, Chúa vẫn muốn cuộc sống của ta không còn những ham hố. Dính bén. Hoặc, tham vọng đầy mình. Cũng chẳng nên hãi sợ. Lo âu. Sầu buồn, mà làm chi. Hãy cứ tự do, mà sống. Vì vậy, Chúa nói: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ của Tôi.” (Lc 14: 33) Từ bỏ, là cho đi. Cho, cả chính mình. Cho, không là giảm bớt tự do để thực hiện lòng xót thương/yêu mến, rất trung thực. Vì khi đó, “Cho” chỉ là ý nghĩa của ghét bỏ, mà thánh Luca đã diễn tả. Ở đây. Nơi trình thuật này.

Ý nghĩa của câu truyện Chúa vừa kể, chỉ cốt để minh hoạ. Minh hoạ rằng, quần chúng theo Ngài đã tỏ lòng phấn chấn. Rất khởi sắc. Nhưng, vấn đề là: họ đã sẵn sàng để theo chưa? Theo như thế, có mang ý nghĩa “dứt bỏ” mọi sự chăng? Bằng không, cũng chỉ như vị vua nọ ra chiến trường, mà không bàn thảo. Tính trước. Hoặc, như người khởi công xây dựng nhà, đà hết vốn. Không tính trước, sẽ bị mọi người cười chê. Thất bại.

Giả như người Công giáo chúng ta cũng đang trên Đường theo Chúa, mà không nhận ra những gì cần tính trước, rồi cũng sẽ thành trò cười cho thiên hạ. Cũng thất bại thôi. Tuy nhiên, ngôn từ của trình thuật hôm nay dù mang tính chất rất tiêu cực, cũng chỉ để nói lên rằng: ta sẽ để luột mất niềm an vui/hạnh phúc nơi cuộc sống mà Chúa đem đến. Hiến tặng cho ta. Cho mọi người.

Nhận thức ý nghĩa Chúa nhắn nhủ, ta cứ hiên ngang ngẩng đầu tiến bước, mà vui hát. Rằng:

“Cả một trời yêu bao giờ trở lại

Ôi ! Ta xa nhau tưởng chừng như đã

Ôi ! Ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ

Tình bất phân ly - tình vẫn như mơ

Đành nhủ lòng thôi giã từ kỷ niệm

Cho qua bao năm mộng buồn quên dấu

Nhưng sao bao năm ngày dài qua mãi

Trong anh hôm nay thấy tình còn đây.”

(Trần Quảng NamMười Năm Tình Cũ)

Tình cũ. Hay, hiện thời. Vẫn là tình của Chúa. Của mọi người. Trong đời. Tình, bất phân ly. Như mơ. Dù trải “qua bao năm mộng buồn quên dấu”. Vẫn còn đây.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc:www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: