Saturday 30 October 2010

“Nhưng không chết người trai khói lửa”,


Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng.
Má tôi ngồi bên mộ con, đầy bóng tối.

(dẫn từ thơ Hữu Loan)

Lc 20: 27-38

Nhà thơ trong đời, lâu nay vẫn cứ than và khóc người gái nhỏ hậu phương, rày đã chết. Bè Sađốc khi xưa chẳng khóc chẳng than, vẫn râm ran gạn hỏi Chúa đôi câu để bắt bẻ, về sự sống sau khi chết. Sự sống sau khi chết, là đề tài nóng bỏng được thánh Luca kể ở trình thuật, hôm nay.

Trình thuật thánh sử kể, là kể về tâm tưởng của những người không tin vào sự sống, sau khi chết. Về, cảm nhận niềm tin yêu rất khác nhau. Khác, cả về cung cách diễn tả ý tưởng và niềm tin của mình, con dân nhà Đạo vốn chịu ảnh hưởng sách Khải Huyền, vẫn diễn tả đó là chốn ấm êm thiên đường, nơi người người gập mình quỳ lạy và đàn ca chúc tụng Chúa suốt đời người.

Thế nhưng, những hình ảnh ấy nay không còn thích hợp. Cũng chẳng giúp ích được người thời đại. Vì thế, có lẽ ta cũng nên hợp cùng tác giả sách chiêm niệm có tựa đề: “Mây mù phủ khuất nhận thức”, qua đó, tác giả bảo: ta chỉ biết Chúa khi nhận ra rằng mình chẳng hiểu gì về Ngài; hoặc cung cách Ngài bầy tỏ sự thật trong cuộc sống. Cũng vậy, ta chẳng thể nào hiểu được chính đời mình, mỗi khi giáp mặt cuộc sống có Chúa.

Trình thuật trước đó cho thấy Đức Giêsu hết bị đám Kinh sư/Biệt Phái dồn vào tư thế khó xử khi họ hỏi Ngài về việc đóng thuế cho César. Nay lại đến bè Sađốc quấy nhiễu. Sađốc là nhóm bè bị đám Biệt phái rất coi rẻ, vẫn cứ lân la với giới cầm quyền La Mã. Bọn họ là đám người chuyên ăn trên ngồi chốc rất quan liêu. Chuyên dò xét cộng đồng Do thái. Họ chỉ muốn ở vị trí cao sang Thượng Tế như Anna, Caipha.

Về lề luật, nhóm bè Sađốc vẫn tự cho mình là người hào phóng. Tuy niềm tin đi Đạo của họ, lại có phần cổ lỗ. Bảo thủ. Về Kinh Sách, nhóm bè này chủ trương chỉ chấp nhận mỗi Ngũ Thư, tức 5 cuốn sách đầu của kinh thánh gồm: Khởi nguyên, Xuất Hành, Lê vi, Dân số và Đệ Nhị luật. Ngoài các sách này ra, họ không chấp nhận mọi sách nào khác. Không những thế, họ còn đặt vấn đề khách quan của cách sách ấy. Vì thế, họ chẳng tin vào chuyện xác thân người phàm sẽ sống lại, sau khi chết. Chẳng tin thần thánh, lẫn thần linh thiên giới.

Đoạn sách được nhóm trích dẫn làm vấn nạn hỏi han Chúa, là sách Đệ Nhị Luật phối hợp với sách Ruth là sách mà họ chối bỏ tính sâu sắc và trung thực. Tất cả, được dùng làm ví dụ để xác chứng là họ vẫn câu nệ vào luật lệ. Chuyện 7 anh em lấy chung một vợ, được họ sử dụng để bẫy gài Chúa xem Ngài nói người vợ kia thuộc về ai, khi sống lại. Riêng họ, có một hay 7 chồng cũng chẳng thành vấn đề. Bởi, họ đâu có tin vào tương lai mai ngày, rày đã chết.

Thế nhưng, nếu Đức Giêsu tin vào sự sống ở đời sau, thì làm sao Ngài có thể trả lời câu hỏi ấy. Nếu bảo người kia là vợ của 7 ông chồng, thì há nào Chúa chấp nhận tệ đa phu/đa thê? Cuối cùng, chắc Ngài cũng phải kết luận rằng: chẳng có gì gọi sống lại, trong mai ngày, hết.

Với Chúa, việc ai là chồng của chị nọ, đâu là vấn đề. Bởi, cuộc sống mai ngày là trạng thái không giống trước. Tất cả, đều sống kết hiệp với Chúa. Với nhau. Khi còn ở đời này, người người vẫn được dạy: sống ở Nước Trời đời này, là sống có tương quan hoàn toàn mới. Với mọi người. Ở đó, người người sống có tình có nghĩa như trong gia đình mới. Ở đó, không có chuyện hỏi han: anh từ đâu tới? Chị thuộc sắc tộc nào? Tất cả là anh/là chị cùng chung một gia đình, của Chúa. Rất hoà hợp.

Ở đoạn khác, khi có người bảo: Mẹ và anh/em Ngài đang tìm Ngài, Chúa bèn hướng về các vị đang ngồi nghe, và Ngài bảo: “Nhìn này! Đây là mẹ Tôi. Này là anh em Tôi!” (Mc 3: 33-35). Đời sau cũng thế. Gia đình mình cũng đâu khác. Tương quan giữa người với người, sẽ không theo máu huyết. Sắc tộc. Hoặc, giai cấp. Tất cả, không còn thích hợp với Nước Trời, dù đời này hay đời sau. Nên, câu mà nhóm Sađốc định bẫy gài Chúa, chẳng có nghĩa gì ngoài một luận giải. Rất ngụy biện.

Lời Chúa nói: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ ai được xét đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, sẽ không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Họ không thể chết, vì ngang hàng với thiên thần. Họ là con cái Chúa, và là con cái sự sống lại.” (Lc 20: 34-36)

Viết như thế, thánh Luca muốn hướng người đọc về với những gì xảy ra trong Hội thánh tiên khởi. Các thánh tuy có gia đình, vẫn tình nguyện sống đời đơn chiếc để giải thoát chính mình, hầu lo cho Nước Trời. Sự việc ấy, là tương quan rất thánh với Nước Trời, thời vĩnh cửu.

Đối đáp lại bè Sađốc, Chúa sử dụng chính sách “gậy ông đập lưng ông”. Bè Sađốc dùng luật Môsê để bẫy Chúa, thì Ngài dùng Cựu Ước để nói: chính Môsê cho thấy những người đã chết nay quay về với cuộc sống. Đó là đoạn Xuất hành cho thấy Môsê đang đối diện bụi gai cháy bừng, có Lời Chúa.

Ở đoạn này, Môsê hỏi Danh Tánh Chúa, bèn được bảo: “Ngươi nói với con cái Israel thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là Danh Ta cho đến muôn thuở. Là Danh Hiệu, các ngươi dùng mà kêu cầu Ta từ đời này đến đời kia." (Xh 3: 13-15)

Nếu Chúa quả quyết rằng: Ngài không là Thiên Chúa của kẻ sống, thì sao Ngài nói được Ngài chính là Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp một khi các vị không còn sống nữa? Và, nhóm bè Sađốc đành im lặng, chịu thua. Không còn lên mặt trích dẫn lề luật để cật vấn Chúa, nữa.

Bài đọc 1 trích sách Macabê kể về Antiôkhô IV vị vua độc tài, tàn bạo chỉ muốn dân mình theo văn hoá Hy Lạp, thôi. Để được thế, ông cấm cản mọi tập tục Do Thái, và vấy bẩn Đền thờ của họ. Kết quả là, ông gặp nhiều chống đối, từ mọi phía. Kể về ông, nay kinh thánh nói về tinh thần bất khuất của bà goá có 7 người con bị hãm hại, kiên quyết không chối bỏ niềm tin. Không ăn thịt uế tạp, cốt để chiều lòng vua.

Mục đích của truyện kể, là để nói: có những giá trị trong đời sống, còn quý hơn cả sự sống ở cõi đất. Và, đấng bậc lành thánh quyết nhận cái chết để bảo vệ giá trị ấy. Sự hy sinh của các thánh tử đạo tuy được coi là cái giá các ngài phải trả, nhưng các ngài lại nhận được phần thưởng quý giá khác, tức: gia nhập sự sống mới. Không sợ chết. Bởi thế nên, người con thứ tư nói: “Tôi thà chết vì tay người đời khi dựa vào Lời Chúa đã hứa để hy vọng được Ngài cho sống lại. Còn ông, ông sẽ không đuợc sống lại, để hưởng sự sống.” (Mcb 7: 14)

Sự sống người Công giáo, cũng đặt nền tảng trên niềm hy vọng một ngày kia được kết hiệp với Chúa. Đấng, là điểm xuất phát hết mọi sự, để rồi tất cả cũng sẽ quay về với Ngài. Đó, là ý nghĩa của thư thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Rôma, khi thánh nhân quả quyết: “Chúng ta biết: cho đến giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng rên siết trong lòng, cũng lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng trông đợi Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” (Rm 8: 22)

Niềm hy vọng mà thánh Phaolô nói, vẫn dựa trên niềm tin sắt đá. Vào sự tin tưởng nơi tình thương yêu của Thiên Chúa, vốn là nguồn gốc và đích điểm của sự sống. Đó không chỉ là hy vọng bình thường, mỗi ngày. Nhưng là hy vọng dẫn đến niềm tin vững chắc, rằng: một ngày kia, ta sẽ kinh nghiệm sống đời hiện tại, chưa kịp bắt.

Bài đọc hôm nay dẫn người nghe đi dần vào kết cục của năm Phụng vụ, khiến ta suy về đích điểm của mọi vật. Đích điểm chấm dứt sự sống của mỗi cá thể, như Kinh Tiền Tụng lễ An táng từng nhắc nhở: “Lạy Chúa, chúng con biết là sự sống của mọi người sẽ đổi thay, chứ không chấm dứt. Và khi thân xác chúng con ở đời này nằm xuống, chúng con sẽ đạt được chỗ đứng vững vàng, trên thiên quốc.”

Với lời cầu này, người còn sống biết mình phải làm gì khi đang sống những ngày còn lại, ở cõi đời. Sống, là hy vọng vào sự sống lại, đang trườn tới.

Hiểu như thế, ta hãy cất lên lời ca chúc tụng Đức Chúa của Sự sống và Sống lại, mà hát rằng:

“Allêluia! Lời Chúa dẫn soi con đường đi.

Allêluia! Lời Chúa khác chi như giòng suối.

Allêluia! Lời Chúa bánh thiêng ban nguồn sống.

Ohúc cho người vui nghe yêu mến gẫm suy Lời luôn.”

(Thành Tâm – Tung Hô Lời Chúa)

Vâng. Cứ thế mà tung hô. Chúc tụng. Cứ thế để cho Lời Chúa sáng soi muôn người, rồi ra ta sẽ hiểu được sự sống trong hiện tại. Và, cả sự sống lại trong tương lai. Mai ngày.

Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

No comments: