Saturday 3 September 2011

“Anh đã thoát hồn anh, ngoài xác thịt,”

Suy niệm Chúa Nhật thứ 24 thường niên năm A 11.09.2011

“Anh đã thoát hồn anh, ngoài xác thịt,”

“để chập chờn, trong ánh sáng mông lung.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 18: 21-35

Rất có thể, vì “anh đã thoát hồn mình ngoài xác thịt” nên không còn “chập chờn trong ánh sáng mông lung” của thứ tha. Của cuộc sống an hoà, như thánh sử đề cập ở trình thuật.

Điều mà thánh sử ghi ở trình thuật hôm nay, là nguyên tắc làm nền cho cuộc sống hài hòa của cộng đoàn dân Chúa. Nguyên tắc này, vẫn song hành với nguyên tắc thứ nhất ghi ở đầu chương 18: với cộng đoàn dân Chúa, chẳng ai bị bỏ quên, hoặc nên hư mất.

Thêm vào đó, ở câu 15, thánh sử cũng ghi lại lời Chúa dặn dò: “Nếu anh em ngươi trót phạm tội,..” là để người nghe biết đường mà xử sự cho đúng cách. Đây, lời dặn dò nghe hơi lạ, nhưng rất thực. Thực, là bởi: bằng vào sự khôn ngoan và kinh nghiệm bản thân, thánh Mát-thêu nhận ra rằng: chữ “nếu” ở trước câu “anh em ngươi làm điều sai trái” mà lại đặt nơi người anh/người chị cùng nhà, có nghĩa là chuyện “làm điều sai trái” ít khi thấy nơi quý vị ấy. Đằng này, Chúa chỉ bảo: khi họ làm điều gì sai trái,..”, tức có nghĩa: các vị này vẫn thường hay làm vậy. Và vì thế, hãy tha thứ cho họ. Tha, theo qui cách mặt-đối-mặt. Từng nhóm nhỏ. Hoặc, cho phép các vị về quê sáu tháng, rồi thì mọi sự cũng sẽ qua mau. Và, tha thứ là cách giản dị nhất, ta có thể thực hiện, để giải quyết mọi khúc mắc.

Hãy thử nghĩ về khung cảnh gia đình trong đó có bé em làm điều gì sai quấy, thì thoạt đầu, người lớn sẽ rối tung khi biết trẻ bé thế mà dám quậy. Nhưng chỉ ít phút sau, mọi việc đều trầm lắng và mọi người sẽ thứ tha, yêu thương bé nhiều hơn trước. Nhưng nếu tình trạng “rối tung” kéo dài lâu hơn thế, thì bé sẽ nhận ra đây là trò chơi đầy thích thú, nghĩa là: bé cứ làm sai, để cả nhà chỉ rối lên một lúc, rồi sau đó bé sẽ được yêu thương hơn. Và khi gia đình biết là bé cố tình chơi trò chơi này để mọi người chú ý đến mình, thì trò chơi ấy trở thành một vận động để gia đình được gắn bó hơn.

Ý của thánh Mát-thêu muốn nói: tha thứ không là chuyện gay go khiến mọi người phải suy tính/đắn đo, nhưng chỉ đơn giản như “trò chơi“ của con trẻ. Trò chơi trẻ, là cung cách mà tình thương gia đình dành cho mình từ lâu, cốt là để gợi sự chú ý của mọi người, thôi. Đây là nền tảng thực hiện nghi thức hoá giải, mà xưa nay hội thánh có thói quen gọi đó là xưng/giải. Tức, tha thứ mọi sơ xuất, lỗi lầm, vẫn rất tội.

Trên bình diện mục vụ, sự việc này cho thấy tha thứ là động tác giản đơn, cần làm. Chứ, chẳng có mục đích làm ầm ĩ lớn chuyện “xưng/giải” như Giáo hội lâu nay vẫn làm. Ầm ĩ/lớn chuyện, đến độ đã phải nghĩ ra ba hình thức “xưng/giải”, rất khác biệt. Ầm ĩ, đến độ quên rằng Chúa đã tha thứ cho tội phạm ngay trước khi giáo hội ta đặt ra 3 nghi thức cầu kỳ ấy.

Ở câu 21, thánh sử đặt nơi miệng thánh Phêrô thêm một đối kháng như thánh cả vẫn thường làm, vào dạo trước. Thánh Phêrô là người khá bốc đồng, thuờng hiểu sai nhiều sự việc, nên mới hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em có lỗi với tôi, thì tôi phải tha thứ bao nhiêu lần, phải 7 lần không?” Thời buổi này, quần thần nào mà lại hỏi lãnh đạo mình những câu như thế, khác nào thách thức chủ trương “không nhân nhượng”, của vị ấy.

Câu Chúa nói: “Này anh Phêrô. Không chỉ 7 lần, mà là 77 lần 7.” Con số 77 ở đây, mang nặng một ám chỉ đặc biệt. Đức Giêsu không cố ý qua mặt thánh Phêrô. Ngài chẳng muốn giới hạn việc thứ tha gì hết. Chẳng qua là, ở Kinh thánh, con số 70 hoặc số 7 đều mang ý nghĩa: không hạn chế. Trong các bản văn Kinh thánh, chỉ mỗi bản tiếng Do thái ở sách Khởi nguyên là nói đến số 77 khi tác giả đề cập đến lời vãn của Lamek, thôi.

Chương 4 sách Khởi Nguyên, ở truyện kể về Cain giết Abel có nói đến việc Lamek giết một trẻ bé trong đó ghi lời vãn của Lamek, như sau: “Cain được báo thù gấp bảy, còn Lamek thì gấp bảy lần bảy mươi!” (Kn 4: 24) Xem thế, thì số 77 ở Kinh thánh là cốt để nói về người nào đó giết chết trẻ em. Con số 77 là số lần để ta tha thứ cho những ai sơ xuất lỡ lầm đến là thế. Và là thế, có nghĩa: không nên giới hạn số lần tha thứ mỗi khi ta sơ xuất/lầm lỡ đến thế nào đi nữa, cũng vậy. Và tha thứ, là việc ta cần làm cho những ai đang có nhu cầu được thứ tha.

Với thánh Mát-thêu, lỗi phạm chỉ mang tính nghiêm trọng khi đó là chuyện hãm hại hoặc xúc phạm đến trẻ nhỏ. Đức Giêsu chẳng khi nào quan niệm về “không nhân nhượng” như thói quen của một số người nay chủ trương. Ngài chú trọng vào việc ta cần bảo vệ cộng đoàn, đặc biệt là con trẻ. Nhưng Ngài cũng nhấn mạnh vào việc phải tha thứ cho những ai có liên quan đến cộng đoàn hoặc dám xúc phạm đến con trẻ.

Với thánh Mát-thêu, tha thứ là việc tự động và nhanh chóng cần làm ngay. Làm, theo cung cách càng đơn giản càng tốt. Đó là sự khác biệt giữa quan niệm của thánh Mát-thêu về cộng đoàn mình chung sống với cộng đoàn khác. Dĩ nhiên, tất cả đều xây dựng trên nguyên tắc làm nền nói đến ở đầu chương 18 của Tin Mừng thánh nhan. Đây còn là nguyên tắc thực tiễn để xây dựng và lãnh đạo cộng đoàn niềm tin vẫn chung sống.

Bầy tỏ lập trường như thế rồi, thánh Mát-thêu mới kể dụ ngôn về người bày tôi ác nghiệt ở đoạn 18 câu 25 đến 35. Cũng nên gọi đây là dụ ngôn “người bày tôi không trí nhớ”. Câu truyện dụ ngôn này thật giản đơn đến độ ai cũng nhớ. Nhớ rằng, chính mình đã được chủ xưa nay vẫn tha hết nợ nần, lẫn tội phạm. Nên, tới phiên mình, cũng nên làm như thế. Nhưng thực tế, đã mấy ai nhớ đến nhu cầu tha thứ như mình từng được thứ tha.

Muốn nhớ lâu lời khuyên dặn này, cũng nên để ý đến câu cuối ở trình thuật, trong đó thánh sử ghi rõ: “Hỡi đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi van xin ta, nay đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" (Mt 18: 33-34)

Bình thường, người mình vẫn có trí nhớ rất kém. Kém nhớ, là bởi: ai cũng quên rằng mình từng được tha thứ rất nhiều, nhưng lại quên. Chính vì quên, nên ta đã không tha thứ người khác.

Bởi thế nên, thánh sử Mát-thêu mới nhấn mạnh sự thể rằng tất cả chúng ta đều là con trẻ, tức những người bé mọn. Là, những kẻ lạc lõng đang cần người cảm thông, chào đón. Tất cả chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối để đón nhận lòng thương tha thứ từ Cha, ngang qua các vị khác. Có nhớ mà tha thứ, ta mới hăng say tình nguyện thứ tha cho tất cả mọi người đang sống quanh ta. Đó, là nguyên tắc làm nền mà trình thuật hôm nay muốn gửi đến mọi người, trong cộng đoàn Hội thánh thân thương, ở mọi thời.

Trong cảm nhận ý nguyện tốt lành của thánh sử, ta lại sẽ hân hoan hát lên lời thơ còn dang dở:

“Anh đã gặp hồn em đang chới với,

Bến Mê Hà trên giải nước mênh mang.

Anh đã đón tình em bay phất phới,

Như hương trăng, đằm thắm cõi không gian.

Chúng ta tiến, em ơi, làm thanh khi.

Cho tan ra hoà hợp với tinh anh.

Của trời đất, của muôn vàn ý nhị,

Và tình ta sáng láng như trăng thanh.”

(Hàn Mặc Tử - Sáng Láng)

Tình ta, cứ thế mà sáng láng. Sáng, như muôn vàn tinh tú rất trăng thanh. Đằm thắm. Ý nhị, ở mọi thời. Thời, có anh và có em tìm đến với con trẻ bị lãng quên, cần yêu thương. Tha thứ. Bởi, thứ tha là tất cả. Thứ tha, là diễn tả tình thân thương của anh em, một nhà.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch.

No comments: