Saturday 21 June 2014

lô năm A 29.6.2014 “Ca những điệu ngọc vàng, cao sang sảng,”



Suy tư Tin Mừng đọc trong tuần sau lễ Thánh Phêrô & Paolô năm A 29.6.2014

“Ca những điệu ngọc vàng, cao sang sảng,”
“Lời văng xa, truyền nhiễm đến vô song.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mt 16: 13-19

            Điệu ngọc vàng, nhà thơ đã ca lên, vẫn vang rền những điều truyền nhiễm đến vô song, đầy huyền-nhiệm. Giọng trân-châu, nhà Đạo còn hát mãi đi vào hạo-nhiên lồng-lộng Nước trời, nhiều phấn-kích.
            Bài đọc ngày lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, tập-trung tiếng hát vô song, huyền-nhiệm có Đức Chúa ở cùng, nhiều ân-sủng. Ân-sủng Chúa ban, đã giúp đỡ các ngài trở-thành đấng thánh trụ-cột duy-trì thánh Hội, rất nhiều thời.      
            Thánh Phêrô và Phaolô đều có điểm đặc biệt: vừa giống nhau lại vừa khác-biệt, rất chân-chất. Hai thánh giống nhau ở điểm: cả hai đều là người Do-thái nhiệt-thành, xuất chúng. Trong khi thánh Phêrô, xuất thân từ làng chài bình dị ở Galilê, học hành không nhiều nhưng cung-cách rất riêng tư, khi hành-xử. Còn thánh Phaolô, là vị thánh có quốc-tịch Rôma, từng xuất thân từ trường lớp rất La Mã, nhưng thuộc thế-giới Do-thái hạnh-đạo.    
            Thánh Phêrô từng dẫn dắt những người theo Chúa Giêsu, nên biết Ngài rất rõ. Còn thánh Phaolô chỉ gặp gỡ Ngài trong thoáng chốc trên đường đi Đa-mát nhưng lại thông-hiểu Chúa Sống lại, hơn ai hết. Thánh Phêrô là con người bồng-bột, giản-dị phạm nhiều sai sót. Trong khi thánh Phaolô thì tính-khí phức-tạp, không dễ gì làm hoà được với nhiều người.
            Do có khác-biệt về tính-khí, nên hai thánh đã hiểu lầm, xung-đột và bất đồng chánh-kiến, rất nhiều lần. Tuy thế, các ngài vẫn luôn gắn bó tình mến-thương cùng một Thày Chí Thánh cả vào khi chấp-nhận cái chết cho lòng Đạo Thày răn dạy. Điểm son ấy, lại cũng xuất từ tính giản-đơn và kết-hiệp nơi Đức Kitô, Đấng thiếu vắng tính cao-siêu, phức-tạp. Nét đẹp sáng-tạo là do sự bất-đồng nhưng lại hài-hoà từ sự khác-biệt của các yếu-tố tạo-thành.
            Gương lành dị-biệt giữa tín-hữu thời tiên-khởi và đặc biệt giữa thánh Phêrô và Phaolô là lời mời gọi Hội-thánh cũng như mỗi người trong ta hãy tôn-trọng sự đa-dạng nơi lập-trường/quan-điểm, sức bén nhạy và phong-phú nơi nét đặc sắc khác-biệt ấy.
            Bài đọc 1, sách Công Vụ cho thấy bầu khí vui tươi ban đầu khi thánh Phêrô sử-dụng quyền-bính với đồ-đệ và người theo Chúa, sau ngày Ngài khuất vãn. Cộng-đoàn khi ấy đều đã kết-hiệp nguyện-cầu ở phòng kín, có cửa đóng then cài. Lúc ấy, duy chỉ mỗi thánh Phêrô vắng mặt vì bị giam-giữ. Nhưng rồi, thánh-nhân thoát ngục cách lạ kỳ như chuyện trinh-thám. Ra tù, là chuyện dễ. Nhưng vào với cộng-đoàn Hội-thánh lại không thế. Bởi, thánh Phêrô là loại người có cung-cách diệu-kỳ luôn thu hút mọi người cả những chuyện không đâu lẫn việc đón-nhận ân-huệ mới, giống con trẻ.
            Bài đọc 2, diễn-lộ đoạn cuối công-trình hoạt-động của thánh Phaolô, khi ấy xem chừng cũng đã mỏi mệt, già đi với mộng ước thường có, tính-khí cũng phức-tạp bởi cứ than-phiền là mọi người như thánh Máccô và Barnaba hằng lánh thân để thánh-nhân lại một mình, trơ trọi. Nhưng niềm tin ngài có vào Đức Kitô vẫn không hề chuyển lay và thánh-nhân cũng duy-trì niềm tin sắt-son cho đến chết như thánh Phêrô.
            Trình thuật thánh Mát-thêu đưa ta về lại với lời tuyên-tín của thánh Phêrô và sứ-vụ Chúa giao trong đó có trọng trách dẫn dắt thánh hội. Lời thánh Phêrô tuyên xưng là câu đáp-trả khi Đức Giêsu hỏi mãi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" một câu hỏi đượm tính mật-thiết đặt nặng lên từ-vựng “bảo”. Bảo đây, tức nói lên niềm-tin vào Thày mình là “Đức Kitô, Con Thiên-Chúa hằng sống.”       
            Niềm tin, thật ra không chỉ là động-thái nội tại nơi tâm can, cũng không chỉ là nhận-định mang tính thiêng-liêng, tinh thần. Nhưng vẫn cần nói ra bằng lời nói cũng như hành-động. Bằng ngôn-ngữ riêng-tư, bình dị, của chính ngài thánh Phêrô tuyên-xưng thiên-tính của Đức Giêsu, Thày mình.
            Điều đó có nghĩa: Thày chính là Đấng Thiên-Sai. Là, Con Một của Thiên Chúa hằng sống. Và về sau, thánh-nhân còn tuyên-tín như thế cũng rất dài bằng những tháng ngày cuộc sống dẫn đến cả nỗi chết, cũng vì Thày. Tất cả, đều là sự nối dài, nới rộng của lời tuyên-tín rất đáng tin được thánh-nhân phát nên lời.
            Hệt như thế, thánh Hội là cộng-đoàn gồm những người, những vị từng lĩnh-nhận thông-điệp về Đức Kitô nơi lời lẽ rất đáng tin của thánh Phêrô. Lời lẽ ấy, là cung-cách khiến thánh cả tuyên-xưng Thày mình đích-thị là Ai, Đấng nào.
             Mỗi người chúng ta, là thành-viên cũng như cơ-phận của thánh Hội do Thày Giêsu đặt để, cũng phải biết đáp trả câu hỏi của Đức Giêsu Thày Chí Ái như thánh Phêrô từng làm. Nói bằng lời, là cung-cách giúp ta khẳng-định được niềm tin mình vẫn có xưa nay. Nói bằng lời hay hành-động, còn là chuyển-dịch những lời lẽ ấy vào cuộc sống biết phục-vụ người khác. Là, chuyển-ngữ Lời Chúa thành sự việc rất hiện-thực, trong đời mình.
            Hôm nay đây, hai cột-trụ của thánh hội là thánh Phêrô, đại diện cho 12 vị đồ-đệ được Đức Giêsu mời gọi vào thời ấy, và cột-trụ kia là thánh Phaolô là đấng bậc đầu tiên đến với Chúa cũng khá trễ nhưng được gọi để trở thành nhân-chứng cho những gì Đức Giêsu từng làm.
            Giống như hai thánh cả là cột-trụ của Hội thánh, mọi người chúng ta cũng được mời gọi ra đi tuyên-xưng và rao truyền Tin Mừng bằng cách sống thực Lời Lẽ của Ngài. Ra đi loan báo Tin Vui cho mọi người, bằng cung-cách sống-thực điều mình rao báo.
            Nhưng, như thế vẫn chưa đủ. Ta còn được mời gọi rao truyền bằng lời lẽ, tuyên-xưng niềm tin mỗi ngày và mọi ngày trong đời mình ngang qua phụng-vụ và lời nguyện cầu, dâng lên Chúa. Ta làm nhiều hơn thế trong lời ca chúc tụng ngợi khen, ngang qua Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa, là Chúa chúng ta. Nhiều vị, lại cũng được kêu mời bằng lời rao giảng, hoặc diễn-giải Lời của Chúa, rất hăng say.
            Làm cách nào cũng là làm, nhưng điều quan-trọng là nối-kết lời lẽ mình diễn-giải hoặc rao truyền vào với cuộc sống đích-thực hằng ngày. Và, vào với hy-vọng rằng Đức Giêsu sẽ đáp-trả lời ta tuyên-xưng Ngài bằng cách cũng tuyên-dương cảm kích mối thịnh-tình của ta trước Thiên-Chúa-là-Cha Ngài.
            Trong tinh-thần phấn-kích quyết tuyên-xưng, ta lại về với lời thơ những ngâm rằng:
           
             “Ca những điệu ngọc vàng cao sang sảng,
            Lời văng xa truyền nhiễm đến vô song.
            Bầu hạo-nhiên lồng lộng một màu trong,
            Không rung động bởi tơ huyền náo nức.”
            (Hàn Mặc Tử - Ngoài Vũ Trụ)

            Ca vang điệu ngọc cao sang sảng, lại cũng là và mãi mãi là tuyên-xưng niềm tin ta có với Chúa không chỉ bằng lời mà thôi. Nhưng, bằng cả cuộc đời hăng say, cảm-kích rất phấn-chấn được làm con và là đồ đệ của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, rất như thế. Mãi một đời.
 
            Viện phụ Armand Vielleux, OCSO (Scourmont, Bỉ) trước tác.
            Mai Tá lược dịch bản tiếng Anh
            do Lm Kevin O’Shea CSsR dịch từ tiếng Pháp.

No comments: