Saturday 15 November 2014

Hỡi Thượng-Đế, xin cho tôi đôi cánh”,



Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 34 thường niên Lễ Kitô Vua năm A 23-11-2014

Hỡi Thượng-Đế, xin cho tôi đôi cánh”,
Ít bụi trần để còn bay lên cao”.
(Dẫn từ thơ Hiếu Anh)
Mt 25: 31-46

            Xin đôi cánh, nhà thơ đời lại cũng chẳng xin bụi trần để còn bay cao vào chốn vũ trụ. Xin bay cao, người nhà Đạo lại chỉ muốn bay vào chốn trên cao có Đức Chúa là Vua vũ trụ, Đấng càn-khôn luôn ấp-ủ muôn loài núp trong lòng êm-ả, chốn trời cao.
            Trình-thuật thánh-sử Mát-thêu hôm nay ghi chép, lại cũng nói đến ảnh-hình vị Vua Cha cao cả chốn vũ-trụ, rất muôn đời. Vua Cha Kitô, mang dáng-hình của Đức Vua hiền-hoà kiểu Hoàng-đế Constantine của La Mã, hồi thế kỷ thứ tư rất nổi bật. 
Năm 337 là năm Hoàng đế La Mã Constantine lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Trước đó, ông vẫn lưỡng lự chẳng tỏ bày dấu hiệu gì dứt khóat. Ở thời Giáo hội ban sơ, đã có thỏa thuận là người tín hữu Đức Kitô chỉ cần xưng thú lỗi lầm của mình một lần trong đời là đủ. Chính vì thế, Hoàng đế Constantine vẫn giữ tình trạng dự tòng suốt nhiều năm tháng cho đến ngày ông kề cận cái chết.
Thành ra, khi thấy mình gần như không tránh khỏi cái chết gần kề, không còn cơ hội để phạm lỗi, ông mới chịu để cho thanh tẩy, lãnh nhận bí tích Thánh thể và cuối cùng xưng thú mọi lỗi lầm đã qua. Đó cũng là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của Giáo hội.
Năm 313 là năm Hoàng đế Constantine tuyên bố dùng Đạo Chúa làm quốc giáo. Cũng từ đó, không ai được phép theo đạo nào khác. Điều này có nghĩa là đế quốc La Mã đã thống nhất lề luật, mậu dịch, thuế khóa cũng như bắt buộc mọi người theo phong tục, tập quán của La Mã. Chính vì thế, cũng nên coi đây là một chúc lành đầy ý nghĩa tặng ban cho Giáo hội của Chúa. Một quà tặng trước nay chưa thấy có.
Nếu chỉ nhắm khía cạnh tích cực, thì sự kiện này cho thấy đã chấm dứt giai đọan khốn khó mà tín hữu Đạo Chúa thời ban sơ đã gánh chịu. Máu đào các vị tử đạo đã chứng tỏ rằng các chứng-nhân lịch-sử từng vấn-nạn các vị hoàng-đế ở thế-trần về tình yêu cao cả. Chính tình yêu ấy lôi cuốn bao người công-chính dám hy sinh sự sống để giữ vững niềm tin đã có.
Cũng trong ý  hướng tương tự, Giáo hội là người cầm cân nẩy mực hun đúc nên giá trị nội tại của xã hội; nhất là tại các nước phuơng Tây. Vì thế, không còn phải thắc mắc điều gì khi thấy Giáo hội đã dung-hòa, dưỡng-dục và cải-hoán nhiều hành vi tồi-tệ từ phía La Mã.
Nhưng, nếu xét các giá phải trả, thì Hội-thánh đã nhanh chóng trở thành thế-lực hùng-mạnh. Các Giám-mục bắt đầu ăn vận theo sắc-phục mầu tím, mầu của các nghị sĩ ngoài đời. Dáng vẻ của nhà thờ cũng đã bắt đầu đổi-thay, mang hình-hài một vương cung thánh-đường của La Mã.
Lại nữa, hệ-cấp quyền-hành trong Giáo-hội đã trở mình bắt-chước cung-cách cầm-quyền của một đế-quốc. Phụng-vụ, lại đã du-nhập một số nghi-tiết tế-tự quen thuộc xuất từ đền-đài của người La Mã. Nói tóm lại, đã có sự trộn-lẫn giữa thế-quyền và thần-quyền.
Buồn hơn nữa, vào các thế-kỷ sau đó, người ta còn dùng cả lưỡi gươm, ngọn giáo để ép buộc người ngọai-giáo hồi-hướng trở về với đạo của Đức Kitô. Khi ấy, chẳng còn ai dám bày-tỏ sự bất-đồng ra mặt, không bao nhiêu người còn vấn nạn về tính đa nguyên, đa đạo. Và, trong bối cảnh rối bời vào thế kỷ thứ 6, đạo Hồi lại đã xuất-đầu lộ-diện, nổi lên phản-chống tính độc-tôn đế-quốc bay về tập-trung trong Đạo
Chính vì thế, không ai lấy làm lạ khi thấy sau cuộc hồi hướng trở về của hoàng đế Constantine, hình-ảnh Đức Kitô Vua đã nổi bật và được đưa vào nghệ-thuật mang tính tôn-giáo. Trước đó, hình-ảnh Đức Giêsu Mục Tử Nhân Hiền vẫn được mọi người duy-trì, mến mộ.
Sau niên-biểu 313, các ảnh-hình diễn-tả Đức Kitô đã mang dáng-hình sung-sính trong trang-phục của Vua Chúa, với vương-miện lộng-lẫy ở trên đầu, có vương-trượng và quả cầu thiên-thể, nơi tay. Cũng thế, Đức Maria cũng được vận-sức bằng trang-phục của một mẫu hậu. Thậm chí, Mẹ còn được người đương thời tặng cho danh-hiệu Nữ Vương Thiên Đàng nữa.
Vấn-đề đặt ra không để hỏi: ta có nên dùng ngôn-ngữ trần-thế như: vua chúa, đế quốc -dù là đế quốc đạo hạnh-  để áp đặt cho Đức Giêsu không? Bởi lẽ, Đức Kitô đã mô tả chính Ngài như Vua Cha hiền-lành, rồi.
Thế nên, vấn đề cần ta minh-định cho rõ ràng, là: những điều nêu trên cho thấy đạo Chúa đã bắt đầu đi chệch đường để rồi quên là chính Đức Kitô đã khẳng-định: vương-quốc của Ngài “không hiện-diện nơi trần thế”. Và, thần-dân của Ngài chỉ được biết đến và chấp nhận, nếu họ biết làm cho kẻ đói bụng được ăn no, người khát khô có đủ nước uống.
Cũng thế, nếu con dân Đức Chúa biết đón mừng khách lạ, phân phát áo quần cho người mình trần, biết chạy đến chăm lo cho người đau yếu, tật bệnh và thăm viếng ủi an người bị giam giữ, thì triều-đại Đức Kitô cùng thần dân và uy quyền Ngài vẫn thuộc một trật-tự khác.Trật tự ấy, có giá-trị hơn hẳn mọi vương-quốc nơi phàm trần.
Chính vì thế, Lễ hội hôm nay mang tính-chất rất hệ-trọng. Vào giờ phút cuối cùng của niên-lịch phụng vụ, chúng ta nhận thử-thách từ Đức Kitô, vị Vua đáng kính đã dẫn dụ chúng ta hãy tỏ lòng trung-kiên với những gì là thiết yếu, rất cần làm.
Giáo hội đưa ra ảnh-hình về Đức Vua Kitô khả ái, không phải để ta có thêm tham-vọng muốn cầm quyền, hoặc thích mua quan bán tước, ưa chuộng địa-vị chốn trên cao vời vợi. Tuyệt nhiên, cũng không phải để ta cứ tham lam, ham hố chuyện ăn trên ngồi chốc; nhưng ngược lại, ta phải biết âm-thầm thực-hiện cuộc cách-mạng cải-biến thế-giới này cho công-bằng và an-toàn hơn, để người người có thể sống cùng và sống với nhau trong an-bình, hoà-hợp.
Ngược lại, ta cũng nên biết rằng mình vẫn là kẻ kế-thừa một Vương-quốc trong đó Đức Kitô đã sống, chấp nhận cái chết và trỗi dậy từ sự chết ấy vì Nước Trời. Nói rõ hơn, là tín-hữu Đức Kitô, ta còn là nhân-chứng của triều-đại Đức Kitô Vua, trong cuộc sống rất hiện tại.
Đức Kitô Vua vũ-trụ là như thế. Vương quốc của Ngài đang thực-sự tiếp diễn. Tiếp và diễn, nơi mọi người con đang sống Tình Thương-yêu của Chúa. Tình yêu của Đức Vua Kitô và cũng là  Tình-yêu-Vua. Và từ đó, cộng-đoàn tình thương sẽ là Vương-quốc của chính Đức Kitô, Vua Tình yêu của ta nữa.          
            Trong tâm-tình cảm-nghiệm đặc-trưng hiền-từ của Vị Vua Cha rất Cao-cả, ta cũng sẽ ngâm lại lời thơ còn dang dở ở đời rằng:

            “Hỡi Thượng Đế, xin cho tôi đôi cánh,
Ít bụi trần để còn bay lên cao.
Êm như nhung, man-mác tựa chiêm-bao,
U-sầu này, muôn đời xin xa lánh.
Hỡi Thượng-Đế, xin cho tôi đôi cánh,
An giấc điệp, trong vòng tay thần thánh.
Những bồng-bế thế-trần tôi xin tránh,
Hưởng an-bình trên cõi phúc lòng thanh!”
(Hiếu Anh – Tình Chết Theo Người Đi)

“Tình Chết theo người đi”, còn là và vẫn là tình-tự ao-ước của con-dân ở thế-trần. Vẫn cứ là, nỗi niềm thầm mong Đức Kitô Vua Vũ trụ đem mọi người về chốn êm-ả, thanh-thoát, nơi Vương-quốc của Ngài. Ở nơi đó, có mọi người chung lòng chúc-tụng, thờ-kính hơn vả vua quan nơi trần-thế những nhiễu-nhương, u-sầu cần lẩn-tránh/lánh xa, hầu hưởng phúc an-bình, với lòng thành.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch     

No comments: