Saturday 14 February 2015

“Bên Em mỗi lúc trên đường cái”,



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay năm B 22/02/2015

“Bên Em mỗi lúc trên đường cái”,
“Hóng mát cho lòng được thoả thuê.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mc 1: 12-15
“Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Vào chốn hoang vu/sa mạc, làm gì có chuyện “hóng mát, cho lòng được thoả thuê”! Thế nhưng, đi vào tuần đầu Mùa Chay, lại sẽ thấy thi-ca cũng như Phụng-vụ Đạo CHúa, vẫn cứ nhủ: “Bên Em, mỗi lúc trên đường cái”, còn có những cảnh tình, tựa như: “Anh thường gửi gắm mối tình quê.”
Tình quê ở nhà Đạo hôm nay, lại sẽ thấy ở nơi nơi, người người như đi vào chốn hoang vu/sa mạc này nọ, người người vẫn có sứ vụ rất khẩn cấp để có thể sống đời an vui, trầm lắng, chốn nợ đời.     
Trình thuật Tin Mừng Marcô, ta nghe kể là Yêsu Đức Chúa đã trầm mình trong chốn hoang vu xa vắng, những bốn mươi ngày. Cả vào năm cuối cuộc đời trần thế, khi chấp nhận xả thân chịu chết cho nhân lọai, Ngài đã bước ra khỏi chốn thị thành, để vào nơi gian khổ ở đó có cái chết trơ trọi đang đợi Ngài trên khổ giá, nơi đồi cao, chốn vắng, một Gôngôtha sừng sững, rất khô cằn đến tận cùng mặt đất. Và, ở cả hai nơi, Yêsu Đức Chúa đều bị thách thức, gạ gẫm nhưng đã trỗi dậy: dậy lên trong yêu thương; vùng lên với chiến thắng.
            Với Tin Mừng thánh Mar-cô, ta không thấy tác giả đề cập đến những gạ gẫm của Satan nơi hoang vu xa vắng một cách đậm nét. Nhưng, với thánh sử Lu-ca và Mat-thêu, hố sâu thiếu xót và cách biệt ấy đã được khỏa lấp, bù trừ. Và, thánh Mar-cô kể rằng: quần chúng nhiễu nhương dám hỗn xược khích bác, gạ gẫm Đức Chúa, dụ Ngài hãy rời bỏ thập giá trèo xuống, tự cứu lấy mình khỏi thứ “diệu đế” cuối cùng, đày đọa.
            Nơi hoang địa đầu đời, Yêsu Đức Chúa được thần sứ phù trợ, đã ra khỏi tình huống suy sụp và Ngài đã trỗi dậy bằng câu tuyên sấm để đời rằng: “Nước Chúa đã gần kề”.  Tại đồi hoang vào phút cuối, Ngài đã được môn đệ, bạn hữu đỡ nâng để đi hết đọan đường gian khổ, hầu làm chứng cho Nước Trời mà Ngài hằng tuyên bố.
            Rõ ràng, trong các trình thuật vừa kể, đồng hoang cỏ cháy và cơn gạ gẫm, khuyến dụ vẫn cứ đuổi đeo Yêsu Đức Chúa dọc suốt hành trình ở với trần gian. Đây là điểm son then chốt đã ủi an đoàn con thân thương vốn đã khổ đau, sầu thảm. Phần đông chúng ta có lẽ chẳng cần ra ngoài, tìm nơi hoang vu địa đạo để cảm nghiệm tình huống sầu khổ, đớn đau có những khích bác, khuyến dụ. Càng sống trong tình huống cụ thể, ta càng gặp nhiều cơn khích bác, gạ gẫm dẫn đưa ta đến nơi đổ vỡ, thất vọng.
            Xét kỹ bản văn Kinh thánh, các truyện thần thoại, cũng như văn chương, nghệ thuật, phim ảnh trình chiếu, có hai yếu tố đã xuất hiện, thật rõ nét. Trước nhất, ai cũng thấy rằng: sa mạc hoang vắng có thể là nơi khuyến dụ điêu tàn, nhưng tiêu vong đã khiến nhiều đại anh hùng khi xưa cất bước lãng du mà không thấy có ngày trở về.
            Thứ đến, theo truyền thống thiết thực, hành trình vào chốn vẫy gọi của nơi quạnh hiu, sa vắng đầy cát nóng với những gian truân nhưng cũng đã tạo nhiều thoả thuê, thoải mái vì ở nơi đó ta vẫn đón nhận nhiều mặc khải cũng như cải biến hoặc vui sướng, giải khuây. Cả hai yếu tố trên không nhất thiết đối chọi, xung khắc tiêu diệt lẫn nhau; nhưng đã bổ túc nhau một cách hài hòa.
            Lấy trường hợp của Đức Chúa làm mẫu mực, ta thấy không nhất thiết phải buông xuôi, bỏ cuộc trước một gạ gẫm cho rằng chốn hoang vu sa mạc chỉ gồm những mất mát khổ đau, mà thôi. Mặc dầu là thế, ta vẫn cần tìm ra con đường thân thương đầy thuyết phục hầu có thể trỗi dậy, cất cao đầu lên mà thưởng ngọan những kinh nghiệm quý báu, tích tụ.
            Điều quan trọng, là: ở nơi sa mạc rất riêng của mỗi người, không phải mọi gạ gẫm, khuyến dụ đều mang sắc mầu tội lỗi. Khi bị gạ gẫm, khuyến dụ không có nghĩa là ta đang thực hiện điều xấu do người nào xúi giục, bảo ban. Gạ gẫm là những quyến rũ, được tô vẽ cho thêm mầu rực sáng nhằm thúc đẩy người bị dẫn dụ có những quyết định nghiêng hẳn về mặt xấu.
Trên thực tế, rất nhiều điểm đã phát giác ra trong đời sống tu đức của các thánh, là: các ngài càng gần gũi với Đức Chúa của tình yêu bao nhiêu, thì những gạ gẫm, khuyến dụ đủ mọi lọai hình càng gia tăng bấy nhiêu. Tuy nhiên, có điều may là chúng ta vẫn được giáo huấn để biết cách đối phó với những tình huống gay go.                           
            Cứ sự thường, gạ gẫm khuyến dụ thường có bối cảnh và huyền sử riêng. Các tình huống như thế chỉ xảy đến khi ta có cảm giác xa vắng, lạnh lẽo, dễ tổn thương. Và, các tình huống cám dỗ thường đánh mạnh vào yếu điểm của con người rất hay để lộ sơ hở trong cá tính rất thực của mình.
Muốn chống lại những tình huống như thế, cần đề cao cảnh giác về các mô hình kiểu mẫu của chúng, tức gạ gẫm, khuyến dụ thường dối gạt, đưa ta vào chốn mê hồn trận để ta tin tưởng rằng hành vi, thói tật mà ta say mê cũng “không đến nỗi quá tệ, chẳng tội lỗi gì đâu”, “chỉ một lần, thôi mà..”, hoặc “cũng chỉ là lần cuối, một lần cuối cùng, rồi thôi”...
Mặt khác, gạ gẫm, dẫn dụ còn có khả năng nhận ra các hiểm nguy hiện có trong đời mình hầu đánh vào điểm yếu của mỗi người, khiến ta trở tay không kịp. Mệt mỏi, chán chường, giận dữ, rượu chè, ma túy, mất cảnh giác, thiếu khả năng đối thọai cảm thông và niềm tự tin quá thấp, vv.. đều là thực tế phũ phàng đưa ta đến tình trạng dễ phơi bày bộc lộ, hay bị tổn thương hơn lúc bình thường.
            Mùa chay năm nay, khi quyết tâm theo Chúa đi vào chốn hoang vu, xa vắng đầy ý nghĩa này, ta hãy làm những gì khả dĩ giúp mình trỗi dậy từ những tự ti, yếu mềm, thiếu trông cậy, thiếu tin tưởng... ngõ hầu ta có thể đối phó với cơn giận dữ, chán mệt. Hãy tự kiểm điểm xem, trong thời gian qua, ta có làm việc quá hăng say chẳng kể sống chết, hoặc có ăn uống quá độ chẳng hề cữ kiêng, tạo công ích. Hãy hạ quyết tâm sẽ bớt đi cho nhau những tình huống gây trầm tư, khổ não, hoặc cãi vã, đấu tranh, giành giựt.
Ngược lại, cương quyết thực hiện phương cách tốt đẹp nhất để đảm bảo rằng chúng ta sẽ trỗi dậy, rời khỏi chốn hoang vu, xa vắng hầu biến cải cuộc đời, cho tốt đẹp hơn. Ta sẽ không trầm mình trong chốn khổ đau, không tạo ra hoang địa, phân rẽ gửi đến cho nhau nữa.
            Vào nơi hoang vu, xa vắng không phải để lòng mình được chay kiêng, tâm được tịnh mà thôi; nhưng, còn để ta trỗi dậy hòa nhập với cộng đồng người thân cũng một tâm trạng. Cộng đoàn đang ngóng chờ ta quay lại từng giây từng phút. Và, đấy chính là ý nghĩa của mùa sám hối, phục thiện. Hối cải những gì đã sơ xuất. Hồi phục những gì rất thiện. Thiện đây là tình thân thương không chỉ với Chúa, với Mẹ mà cả với người anh em cùng nhà, xa ngõ.
Cầu Chúa cho ta thực hiện cuộc sống trỗi dậy và dâng trào. Mong an bình sẽ lại đến với ta, với muôn người. Và, mọi người.
Trong nguyện cầu Chúa giúp ta thực hiện cuộc sống như thế, ta hãy cùng nhau ngâm lại lời thơ, rằng:

“Từ gió xuân đi, gió hạ về,
Anh thường gửi gắm mối tình quê.
Bên Em mỗi lúc trên đường cái”,
Hóng mát cho lòng được thoả thuê.”
(Hàn Mặc Tử - Âm Thầm)

Vâng. Quả cò thế. Trong đời người, mỗi lần có gío xu6an đi, gió hạ về, thiết tưởng cũng cứ nên gửi gắm “mối tình quê” đến với mọi người, ở mọi nơi, dù nơi đó có là chốn hoang vu, sa mạc rất cuộc đời, ở mọi thời.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch





No comments: