Saturday 14 March 2015

“Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt”



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay năm B 22/3/2015

Tin Mừng (Ga 12: 20-33)
Vào dịp lễ Vượt Qua năm ấy, trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su”. Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông Anrê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Ðức Giê-su. Ðức Giê-su trả lời: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy”.

“Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Ðó là tiếng sấm!” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!” Ðức Giêsu đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Ðức Giêsu nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.


“Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt”
Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
Tay quờ quạng, cầm tay vài tiếng hát
Lúc xòa ra chẳng có một âm thừa
(Dẫn từ thơ Nguyên Sa)

            Ưu tư – chót buồn trong mắt, không chỉ là nỗi buồn của thế kỷ. Tay cầm – quờ quạng, có thể là tâm trạng của nhà Đạo, vào mùa chay. Mùa chay hôm nay, có ưu tư thoáng buồn, như tâm trạng của Đức Chúa, nơi trình thuật.  
            Trình thuật thánh Gio-an hôm nay, ghi lại tình tự Chúa tỏ bày cho dân con của Ngài, để “tôn vinh Cha”. Điều mà Chúa trả lời cho người đến tìm Ngài, là: tìm Ngài, không có nghĩa chỉ nên tìm ảnh-hình bên ngoài, để nhớ vóc dáng. Như ông Zakêu, lúc đầu làm. Nhưng, “tìm gặp” Ngài, là dấn bước trọn vẹn vào với suy tư. Vào, để hiểu rõ tại sao Ngài chấp nhận khổ đau. Và, chết đi. Rồi, sống lại.
            Tựa hạt lúa miến, Chúa phải ngang qua tất cả mọi sự. Qua cuộc đời, ngõ hầu đem sự sống đến với Ngài. Với mọi người. Đây là tiến trình “tự bóc trần”, mà người Hy Lạp gọi đó là kenosis, tức: biến đổi. Biến và đổi, như hạt lúa miến. Nhìn bề ngoài, nó như bị hủy hoại. Nhưng nhờ bị huỷ, nó mới to lớn. Để rồi, sẽ làm giàu cho người khác. Nếu ta không coi và cứ chấp nhận điều đó, như cốt lõi của cuộc đời Đức Chúa, thì rõ ràng là ta chẳng thể tìm gặp và thấy được Ngài, cho đúng nghĩa.
            Và, Chúa còn đi xa hơn, khi Ngài nói: chúng ta phải suy tư về mình, như: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn, ai coi thường mạng sống mình ở đời này, sẽ giữ được sự sống, chốn miên trường.” (Ga 12: 25). Lời như thế, phần đông chúng ta thấy khó mà chấp nhận. Khó là bởi, ai cũng muốn chiếm hữu nhiều tiền, nhiều của. Muốn an toàn, yên ổn. Muốn bao đảm có được tương lai ngời sáng. Trong khi đó, Chúa lại bảo: chỉ khi nào chấp nhận bỏ hết mọi sự, và giữ mỗi tình yêu thương phục vụ người khác, thì khi đó, ta mới hoàn thành phần sâu thẳm, của chính ta.
            Phục vụ người khác, là đến với Chúa. Đến, để ra đi theo cung cách Ngài dạy:“Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy. Và, Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó.” (Ga 12: 26) Dấn bước theo cung cách Chúa hành xử, là đi với Chúa. Và, có Mẹ cùng đi . Mẹ và ta, cùng tiến bước lên đồi ngọn Calvariô. Tiến và bước, đến bất cứ nơi đâu. Đi bất cứ chỗ nào. Đi và đến, chấp nhận mọi điều/mọi thứ xảy ra, với ta.
            Vấn đề thêm nữa, là: ta đã sẵn sàng ở vào tình huống “đi và đến” ấy chưa? Hay vẫn cứ lo sợ mọi sự xấu/ác thần, xảy đến với ta? Đi và đến, có là đòi hỏi lớn, từ Đức Chúa? Với Chúa, chuyện này cũng dễ thôi. Nhưng, với ta? Dù sao, cũng nên nhớ đến thư thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Do Thái, có nói rõ: “Đức Giêsu giống hệt như ta trong mọi sự, trừ tội lỗi.”
            Vậy nên, đừng nghi hoặc. Bởi, vào khi Chúa khuyên nhủ ta làm điều gì, vì Chúa cũng mang tính người như ta, nên Ngài cũng sầu buồn, lo ngại. Vì lo, mới thốt thành lời: “Giờ đây, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này?” (Ga 12: 27) Nhưng, điều Chúa muốn bày tỏ là lời cầu Ngài đã thực hiện sau Tiệc Giã Từ: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho đi chén này qua khỏi Con!” (Mt 26: 39)
            Bài đọc 2, ta thấy thánh Phaolô dùng lời lẽ rất xúc động, khi thánh nhân có thư cho giáo đoàn Do Thái: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức giêsu đã lớn tiếng kêu van cùng nước mắt mà dâng lên lời nguyện cầu nài xin Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết.” (Dt 5: 7)
            Mọi sự xảy đến, đều dễ xảy ra với Chúa hơn với ta. Với Chúa, chuyện chỉ xảy đến sau chuỗi ngày dài nguyện cầu, ở Vườn Dầu. Xảy vào lúc, Ngài sầu buồn đổ mồ hôi, cùng rướm máu. Hãi hùng. Hãi đến độ Ngài đã lên tiếng: “Song, không phải như ý Con, mà như ý Cha.” (Mt 26: 39) Và, thánh Phaolô, còn nói rõ hơn: “Dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Và từ đó, “Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ cho những ai tùng phục Ngài.” (Dt 5: 9)
            Chính vào lúc Chúa hoàn toàn tuân phục Cha, thì vinh quang của Cha đã khởi sắc, ngang qua Ngài. Rất chói lọi. Và, Ngài kêu lên: “Đã hoàn tất.” Với thánh Gio-an, câu này có nghĩa: khoảnh khắc có sự chết là khoảnh khắc vinh quang, về với Cha. Hạt giống có chết, mới đâm hoa. Kết trái. Đậu quả.
            “Phần Tôi, khi được giương cao khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” (Ga 12: 32) , giương cao ở đây, ý nói: việc Đức Chúa được đưa lên cao, trên khổ giá. Đồng thời, cũng có nghĩa: Ngài được nâng nhấc về với vinh quang của Cha. Bởi thế nên, nếu ta trọn vẹn dâng cao mình cho Đức Chúa theo cung cách tương tự, thì vinh quang Chúa cũng sẽ chờ đợi, đến với ta.
            Và như thế, hôm nay ta có muốn tìm gặp Chúa, cũng không nên theo cung cách hời hợt bề ngoài. Nhưng, hãy học đòi tìm cách thức tư riêng mà nguyện cầu. Cầu, cho ân sủng Người được thấm nhập tận phần sâu thẳm, ở trong ta. Cầu và mong, những gì ta gặp thấy, sẽ trở nên thị kiến cuộc đời. Thị kiến giúp ta sống. Nhờ Chúa nâng cao, để mọi sự trôi qua đi, là vì tình thương yêu Ngài dành hết cho mọi người. Để, gọi mời ta cùng với Ngài đi chung một lối. Đi cùng mọi người.
            Ta cũng hãy nguyện cầu, để có được lòng quả cảm và tín thác. Tín thác như Ngài đối xử với Cha. Tức, cần khám phá ra nhiều thứ. Khám phá, để rồi cuộc sống, niềm hạnh phúc và sự tuân phục giúp ta đi vào hành trình. Ở nơi đó, ta sẽ gặp thấy qui cách khiến mọi việc trôi chảy. Để Chúa hoạt động, nơi ta. Và cho ta.      

            Lm Frank Doyle sj
            Mai Tá lược dịch

No comments: