Tuesday 1 September 2015

“Chiều nay ngang cửa nhà ai,”



Suy Tư Tin Mừng trong tuần 23 thường niên năm B 06/9/2015

Tin Mừng (Mc 7: 31-37)
Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

“Chiều nay ngang cửa nhà ai,”
Nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Nhìn ai thì nhìn, chắc không thể không nhìn vào câu truyện kể lâm-li đầy đủ mọi thứ tình không chỉ của riêng ai, rất một người.
Hôm ấy, tôi được biết một chuyện rất mới, và rất thật. Đó là, truyện kể về một bé gái mới sinh suýt nữa thì mất đi sự sống, rất trân quý. Em bị bệnh bẩm sinh rất ngặt nghèo, ngay lúc chào đời. Các bác sĩ và y tá đành chào thua, đưa em vào phòng tạm-dưỡng chờ ngày thần thánh Chúa đón em về. Vị Bác sĩ khoa nhi lo cho em vẫn quả-quyết là bé rất ít có hy-vọng trở về với cuộc sống, dù không lành lặn.
Bé có người anh dễ thương 5 tuổi, tên là Michael. Michael lúc nào cũng lăng xăng, hăng hái nhất quyết làm điều gì tuyệt diệu cho bé em của mình. Và, Michael năn nỉ bố mẹ, cùng mọi người hãy để em vào phòng tạm-dưỡng, chờ đợi.
Em đòi gặp cho bằng được, dù chỉ nói đôi lời từ giã ngắn ngủi. Ngặt một nỗi, là trẻ em không được phép vào trong phòng bệnh-nhân “nằm chờ chết”. Tuy nhiên, mẹ em cố năn-nỉ để Michael được gặp mặt người em gái bé bỏng, một lần cuối.
Vào phòng bệnh, Michael chạy như bay đứng ngay cạnh giường của bé em, cất lời kinh đêm, rất nhẹ nhàng, rằng:

Em là ánh sao vàng rực sáng, là nắng chói chang niềm hy vọng của anh. Em làm cho anh rộn ràng niềm vui sống, khi bầu trời đổ mầu xám xanh. Em là ánh ban mai chứa chan mầu hy vọng, cho chân trời mở rộng, ánh sáng đời anh…

            Cứ thế Michael hát đều giọng. Vừa hát vừa nắm đôi tay xinh xắn của cô bé thân yêu, như muốn truyền hết nhân- điện của mình cho bé phục sinh, có thể ngồi vụt dậy. Bỗng chốc, cô y tá nghe nhịp đập con tim trở về lại của em bé, đã vui mừng loan báo: kìa, nhịp tim của cháu bé đã bắt đầu trở lại đều đặn khi Michael hát.
Thế là, Michael lại tiếp tục, cứ nhè nhẹ hát câu ban đầu. Tiếng hát của em làm mọi người cầm lòng không đuợc. Mẹ em bật lên thành tiếng nấc, hai giọt lệ từ từ lăn nơi khóe mắt từ lúc nào, bà cũng chẳng biết. Michael ghé miệng thì thầm vào tai người em nhỏ, bảo rằng:

biết không, anh thương bé biết chừng nào. Hỡi mọi người, xin đừng cất đi niềm hy vọng của anh em tôi.Và, câu truyện được kết thúc bằng một chú thích nhỏ, rất ngắn: bé em đà hồi phục và rời bệnh viện ngay sau đó, cách đây 3 tuần.”

            Kể lại chuyện này, tôi không cố ý bảo rằng: chính lời ca tiếng hát của Michael đã cứu sống người em của mình. Nhưng, tôi chỉ muốn ghi lại nơi đây một nhắn nhủ, là: đừng ai coi thường uy lực vô-biên nơi sự hỗ-trợ và lòng yêu-mến từ người khác. Tất cả những thứ đó vẫn giúp ta chữa lành được mọi tật bệnh.
Phúc âm hôm nay cũng kể lại câu chuyện chữa lành, rất giống thế. Chữa lành người điếc lác/ngọng câm là chuyện đánh động lòng người, ít khi thấy. Đánh động, vì theo trình-thuật thì chính đám đông dân chúng hiếu-kỳ đã đệ-đạt yêu-cầu Đức Chúa hãy chữa lành cho bệnh-nhân. Điều này dễ hiểu.
Trường-hợp này, người bệnh không nói lên được ước vọng của mình. Vì, như thánh Marcô viết: bối cảnh sự việc đã đánh động mọi người. Vì hầu như, người dưng khác họ chỉ “đến rồi đi”, nào mấy ai biết “tạ ơn người, tạ ơn đời”, cho phải phép.
 Thánh Marcô còn kể: chính đám người hiếu kỳ đã khiêng bệnh-nhân đến với Đức Giêsu. Họ nài nỉ Ngài ra tay chữa lành cho người bệnh, đang đau đớn. Chính vì thế, Ngài đã vui lòng ra tay. Không rõ khi ấy mọi người có hát bài ca đầy hy-vọng như Michael đã làm cho bé em của mình hay không.
Tuy nhiên, dù được Đức Giêsu dặn-dò đừng kể lại cho người khác hay biết chuyện này, người-dưng-khác-họ kia vẫn “tạ ơn người”, kể hết cho nhau nghe câu chuyện cầu bàu, hỗ trợ thật hấp-dẫn.
            Việc gì đã xảy đến vào thời của Chúa, vẫn xảy ra ở đây, hôm nay. Ngày của Chúa. Tiệc thánh này, hay còn gọi là Tiệc Lòng Mến ngày của Chúa, không là chuyện bí-mật tư-riêng cần giữ kín. Cũng chẳng là tiệc rượu ăn mừng của riêng ai, cần giấu-diếm. Đến dự tiệc, không là cơ hội để ta dùng lời riêng tư mà trò chuyện. Chuyện trò, chỉ mình Chúa mới biết và mới hiểu được mà thôi. Bởi, Đạo Chúa không hề và không thể là Đạo của riêng ai hay của mình tôi đơn độc.
            Đại danh từ “tôi” vẫn là thói quen rất tồi. Bởi, từ-ngữ ấy bộc-bạch chỉ một thái-độ riêng rẽ, xé lẻ mà thôi. Dĩ nhiên, khi dự Tiệc, người người đều mang theo ý-nguyện riêng lẻ, để trần tình. Nhưng, Tiệc Lòng Mến nhất định phải là tiệc dành cho cả cộng-đoàn, tức: những người tụ họp nhau lại để yêu thương nhau, hỗ trợ nhau.
Tiệc Lòng Mến vẫn là và luôn là tiệc vui chí tình của “chúng ta”. Không chỉ riêng cho một mình, mình. Nhưng gồm nhiều cái “tôi” cộng lai. Và, Hội thánh còn là hội rất thánh của “chúng ta”, những “tôi” và tớ tức: tôi-tớ toàn là con dân của Chúa, mỗi thế thôi.
             Trong chừng mực nào đó, khi dự Tiệc Lòng Mến, “chúng ta” đều khiêng mang những người “điếc lác/ngọng câm” hoặc tật bệnh đến với Chúa. Ta yêu cầu Ngài ra tay chữa lành. Và, đó là ý nghĩa của lời nguyện giáo dân. Của, những người cùng tham-dự Tiệc vì lòng thương yêu, hỗ trợ lẫn nhau.
Nói cách khác, lời nguyện giáo-dân là lời cộng-đoàn tình-thương đệ-đạt lên Trên, một yêu-cầu. Yêu và cầu, biểu-lộ sự hiệp-thông với nhau, hỗ trợ cho nhau. Đó, mới là điều quan-trọng khi ta nguyện-cầu, dâng-tiến lễ trong các buổi tiệc lành thánh rất Lòng Mến.
Mỗi lần ghé thăm xứ đạo gần xa, khi về, ta thường kể cho nhau nghe những gì đánh động mình hơn cả. Tựa hồ như: các ưu-tư đọng lắng, chất chứa nơi thỉnh-ước và nguyện-cầu của hết mọi người.
Và rồi, ta sẽ tự đặt cho mình những câu hỏi, như: nếu những người dự tiệc thánh Lòng Mến chỉ đến vì nhu-cầu riêng-tư hoặc cho giáo xứ mà thôi, chẳng đoái-hoài gì chuyện của Giáo hội hoặc thế-giới bên ngoài, thì sự việc sẽ diễn-tiến ra sao?
Và, nếu ai cũng chỉ đặt trọng-tâm ưu-tư vào cộng-đồng dân Chúa mà thôi, thì thế-giới này sẽ ra sao? Khi ấy, ai sẽ là người biết quan-tâm trách-nhiệm đến cảnh tình kẻ túng bấn, khó nghèo? Ngay đến người dưng đất lạ không cùng một ưu tư, hoặc khác niềm tin, khác Đạo, thì sao? Mọi chuyện, chắc sẽ dẫn đến kết-cuộc khác hẳn thế?
        Tham-dự tiệc nguyện-cầu, Hội thánh tin-tưởng vào uy-lực của lời cầu bầu nơi người dự. Dự Tiệc, không phải để nhắc-nhở Chúa về các nhu-cầu của thế-giới đương-đại. Chúa đương-nhiên biết rõ mọi việc, hơn ta. Ngài đâu cần ai chạy đến thở-than, nhắc khéo Ngài mà làm gì.
Và, lời cầu thay nguyện/giúp phải được sắp xếp theo thứ-tự ưu-tiên, cao bậc nhất. Để rồi , từ đó ta định ra người cần ta quan-tâm, hơn cả. Điều này, khiến người tham-dự nhớ ra rằng: ta chung lòng hợp-lực với hết mọi người, bất kể tình-cảnh của họ có tồi-tệ xuống cấp đến thế nào, đi nữa cũng không sao.
        Và, phép lạ vẫn xảy đến khi ta dám để thì giờ ra mà nán lại. Nán ở lại, để được ở cạnh người tuyệt-vọng, cần ta cầu-bàu. Nán lại mà ở, mới củng-cố được niềm hy-vọng đang tắt lịm. Phép lạ chỉ xảy đến khi ta nhận ra rằng: nhu-cầu của các nhóm ở ngoài cuộc cũng cần được ta ưu-tiên kể đến.
Trong nhóm người “ngoài cuộc” ấy, có lẽ phải kể tên cả những ai bị coi như người-dưng-khác-họ, rất ngoài Đạo. Và, nỗi niềm khổ-đau của những người như thế, vẫn làm ta chạnh-lòng thương-mến. Chính vì thế, ta quyết-định sẽ cầu bầu, nâng-đỡ họ, rất khôn nguôi.
        Tham-dự Tiệc thánh ngày hôm nay, ta cầu Chúa cất đi nhận-thức yếu/kém của ta. Cầu và mong Ngài mở rộng đôi tai của ta, để nghe được yêu-cầu từ nhiều phía. Cầu và mong Ngài thêm sức mạnh cho miệng lưỡi ta, để ta kể thêm tên người-dưng-khác-họ đang cần Ngài chữa-lành; chữa cho lành mọi tật/bệnh, yếu/kém của ta và mọi người.
Cầu và mong cho lời vàng cứu-rỗi Ngài đem đến với mọi người, sẽ là sự bình-an, công chính rất tự-tại. Bởi, mọi bình-an/công-chính chỉ đến khi ta nhận ra nhu-cầu của người-dưng-khác-họ đang đau-khổ vì bệnh tật. Những người đói nghèo cùng cực, cần ta cầu bầu.
Trong tinh-thần và tình thân thương yêu ấy, ta lại sẽ ngâm lên lời thơ, rằng:

Chiều nay ngang cửa nhà ai,
Nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào.
Nhưng mà không hiểu vì sao,
Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười?” (Nguyễn Tất Nhiên – Trúc Đào)

Hãy cứ mỉm cười với nhau, dù chỉ với người xưa cũ hay mới gặp, cũng đều tốt. Có mỉm và có cười với bất cứ ai, thế mới là trao cho nhau thứ tình thương-yêu thong-cảm không tư riêng, hạn hẹp, rất chân-tình.
Lm Richard Leonard sj biên soạn  
Mai Tá lược dịch

No comments: