Sunday 10 July 2016

“Nào những ai đâu bạn của đời?"



Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 16 thường niên năm C 17/7/2016

                                                Tin Mừng (Lc 10: 38-42)

Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Martha đón Ngài vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy. Còn cô Martha thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói:

"Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!"

Chúa đáp:

"Martha! Martha! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."


“Nào những ai đâu bạn của đời?"
Sao mà bỏ vắng ít ra chơi?
Chớ ai chờ mãi, chờ đâu tá?
Hay ngán cho đời chẳng muốn chơi?
(Dẫn từ thơ Tản Đà)

Với Tản Đà, niềm vui cuộc đời có nhiều thứ. Nhiều thứ vui hưởng, để mà chơi! Chơi, với thơ văn, giấy bút; chơi, với trăng sao “lộng hoành”, một đời thơ.

Niềm vui nhà Đạo hôm nay, được diễn-tả nơi bài đọc bằng sự-kiện nói lên việc yêu-cầu đón-tiếp khách lạ, đến đỗ nhờ.

Ở bài đọc 1, Abraham vui vẻ tiếp 3 người khách lạ, mà ông tin chắc là người của Chúa gửi. Ở bài đọc 2, thánh Phaolô có được niềm vui lây qua kinh-nghiệm một đời làm tôi Hội-thánh, trên cương-vị của người rao-truyền sứ-điệp Chúa gửi đến khắp nơi nơi. 

Với trình thuật Tin Mừng, niềm vui hiếu khách còn nằm ở điều mà các thánh gọi là: đón tiếp những người cần quan tâm, giúp đỡ suốt mọi thời. 

Với người Âu Mỹ, ý niệm đón khách đỗ nhờ, chỉ là chuyện xảy ra ở miền sâu/miền xa, thiếu tiện nghi hoặc chẳng đủ phương tiện. Nhưng với văn hóa Trung Đông, hiếu khách là việc hệ trọng, rất nên làm. Nên, là bởi điều kiện sinh sống vùng sa mạc, quá khắc nghiệt. 

Thế nên, hiếu khách không chỉ là hành vi lịch duyệt, mà còn là chuyện cốt tủy cần có ở các xứ sở, rất tương tự.  

Chủ đề hiếu khách đặt cho phụng vụ hôm nay đạt đỉnh cao chót qua trình thuật về việc Chúa ghé nhà chị em Martha, Maria và Lazarô. Việc chị em Martha đón tiếp Chúa là ảnh hình rõ nét về những hành xử mà Chúa muốn dân con nhà Đạo, hãy nên làm. 

Chính vì tính hiếu khách của chị em nhà Martha, mà Chúa thấy thoải mái đến ghé thăm/đỗ nhờ, sau hành trình giảng rao mệt nhoài, quãng đường dài.

Hiếu khách nơi truyện kể, được thể hiện ngay sau dịp Chúa nói về dụ ngôn người Samari tốt bụng, ở tuần trước. Dưới ngòi viết của thánh Luca, hai trình thuật trên đều có chung một lời bình chú giải, khá tương tự. Truyện dụ ngôn tuần trước, khởi đầu bằng ý niệm linh thiêng cần có, về thương yêu người đồng loại. Dù, người ấy ở ngoài nhà Đạo.

Truyện kể hôm nay cho thấy: Martha là người năng nổ luôn quan tâm phục vụ yêu cầu khẩn thiết của khách viếng. Cũng có thể, Đức Kitô dẫn theo Ngài vài môn đồ thân cận, nên đã khiến cho nhà chủ phải bận rộn, hơn mọi lúc. 

Người đọc nào bận bịu với đủ mọi công chuyện, hẳn sẽ dễ cảm thông với Martha, hơn em cô. Bởi cô ta, biết chọn công việc dành cho tuổi trẻ, chưa biết quán xuyến chuyện trong nhà. Mục đích hai trình thuật nhắm đến, là: lối sống hiện thực cần phải có, trong tương quan với Đức Chúa. 

Thực tại cuộc sống, nhiều lúc làm ta chú tâm đến phần năng nổ trong công tác phục vụ người có nhu cầu mà thôi; nên bỏ quên những đòi hỏi cốt thiết cần chiêm nghiệm cả vào lúc mình đang phục vụ người đồng loại, nữa. 

Nghĩa là, dù sinh hoạt bận rộn, ta vẫn nên hiệp thông chiêm niệm, hầu kết hợp mật thiết với Chúa nhiều hơn. Đó mới là nhu cầu cấp thiết hơn hết mọi sự.  

Ở nhiều chương đoạn trong Tin Mừng Nhất Lãm, các thánh sử thường nhắc đến yêu cầu “lắng nghe Lời Chúa, như lời khẳng định này: “Mẹ và anh em Ta là những người biết nghe Lời và tuân giữ”; “Phúc hơn cho ai biết nghe Lời và giữ lấy.” 

Ở trình thuật hôm nay, phần việc của Maria chọn “lắng nghe Đức Kitô nói Lời của Chúa”, mới khôn ngoan. Bởi, những ai biết nghe và nhớ Lời Chúa, mới biết cách hành xử theo đường lối Ngài dạy. 

Chính vì không biết lắng nghe Lời Chúa, người người dễ có khuynh hướng không biết gì về việc vui sống hài hòa với mọi người. Từ đó, sẽ bước khỏi công cuộc tạo dựng, Chúa thực hiện. 

Thành thử, hiếu khách không là trạng thái biết tiếp đón và phục vụ bữa ăn cho khách mà thôi; nhưng còn phải biết lắng nghe xem khách muốn gì. Khách viếng, có thể là quà tặng Chúa gửi, để nhắc nhở mọi người về bổn phận “lắng nghe” và nhớ Lời Chúa. Lời Ngài luôn còn đó, ở Thánh Kinh.

Tham dự tiệc lòng mến mỗi tuần, là cơ hội để con dân Đức Chúa có dịp lắng nghe và “bẻ bánh” Lời Ngài trong trạng thái rất nhân hiền. Không lăng xăng, như thái độ của Martha; nhưng, biết chọn phần hay phần tốt, như Maria được nói đến nơi trình thuật. 

Trong tinh-thần hăng say đón-nhận Lời của Chúa để lắng nghe và chiêm-niệm, ta cũng nên hợp cùng người nghệ-sĩ hôm nào hát lên lời ca rất tươi vui mà cất tiếng hát rằng:

“Hãy lắng tiếng nói vang trong hồn mình người ơi!
Con tim chân-chính không bao giờ biết đến nói dối.
Tôi đi chinh-chiến bao năm trường miệt-mài,
Và, hồn tôi mang vết thương, vết thương trần ai…”
(Lê Minh Bằng – Đêm nguyện cầu)

Vâng. Hãy cứ luôn lắng nghe tiếng nói trong tâm-hồn, hỡi bạn tôi. Bởi, Đức CHúa vẫn còn nói với ta rất nhiều Lời. Ngài nói trong con tim. Nói, vào thời chinh-chiến. Nói cả vào những lúc chúng ta mang hằn vết thương, rất trần-ai, của cuộc đời. Một đời người có nhiều tiếng nói, nhưng lại ít có dịp để lắng nghe, và thực-hiện.

Lm Richard Leonard sj biên-soạn  
Mai Tá lược dịch.

No comments: