Tuesday 9 January 2018

“Tuyết xuống phương nào, lạnh lắm không?”



Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Hai Thường Niên năm B 14/01/2018
Tin Mừng (Ga 1: 35-42)

Hôm ấy, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giê-su nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).

“Tuyết xuống phương nào, lạnh lắm không?”
“Mà đây lòng trắng một mùa đông.”
(dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương).

Tuyết rơi, có rơi xuống mười phương hay tám hướng đi nữa, vẫn cứ lạnh. Tuyết vẫn lạnh, còn hơn cơn bão của “lòng trắng một mùa đông” khi hội lễ Chúa Giáng Hạ vừa mới dứt. Và nay, người người về lại với mùa thường niên để rồi sẽ bước vào mùa Chay tịnh, có trình thuật rất sưởi ấm.
Trình thuật, nay thánh sử ghi về sứ vụ công khai của Đức Giêsu luôn sưởi ấm con người bằng tình thương yêu cứu độ. Trình thuật, thánh sử viết ngay ban đầu về nhận định của thánh Gioan Tẩy giả khi thấy Đức Giêsu đi ngang: “Này là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1: 36).  Qua nhận định này, thánh Gioan Tẩy Giả xác nhận vai trò của Chúa trong công trình cứu độ, do Cha gửi. Nhận định ấy, được diễn bày vào tuần tới, ở các bài Tin Mừng do thánh Mác-cô ghi. Thế nên, đây là dịp tốt để người người tìm hiểu ý-lực được thánh Máccô làm nền cho Tân Ước, để ta hiểu.
Với thánh Máccô, Tin Mừng là tin rất mừng gửi đến dân con Chúa sống ở Rôma, ít năm sau ngày Giêrusalem bị đập phá. Đó, là lúc dân Chúa bị thúc ép làm nô lệ đến cùng tột, để rồi cũng chết khổ nhục như Thầy mình. Đó, cũng là lúc dân-Chúa-chọn bị bách hại đủ điều dưới chế độ đầy bạo lực của đế quốc Rôma tàn ác. Nhưng, trình thuật thánh Mác-cô vẫn viết theo chiều hướng tư riêng, sâu sắc không bị ảnh hưởng của những hành xử từ người của đế quốc.
Thánh Máccô coi thế giới ta đang sống như một pháp trường đầy sức chiến đấu. Pháp trường này, có đủ sinh lực để chống lại mãnh lực của sự chết, hệt như bi kịch cuộc đời. Thế nên, ngay ở đầu sách Tin Mừng, thánh sử đã vẽ lên cảnh trí Chúa chìm ngập trong mãnh lực của sự chết, khi Ngài dầm mình nơi sông Giođan để nhận thanh tẩy, từ Gioan Tẩy Giả. Và từ đó, Ngài nhận sức sống đầy Thần Khí khi rời sông nước. Thánh nhân lại viết thêm cảnh Chúa bước vào sa mạc, chốn miền của những khô cằn đầy chết chóc không một ai sống sót; nhưng Ngài tồn tại sau 40 ngày, bởi nơi Ngài tràn đầy sự sống. Và, sứ vụ của Ngài thắng vượt sức mạnh của cái chết tạo cho Ngài cũng như hết thảy chúng ta.
Thánh sử Máccô nhận xét thấy ngay trong mãnh lực của sự chết vẫn có kẻ “xuất quỷ nhập thần” vẫn kềm chế được. Chính vì thế, phần đầu Tin Mừng, thánh sử kể cho mọi người nghe truyện Chúa tống khứ đám quỷ sứ khỏi người bị ma nhập, nơi đền thờ.
Rồi, Chúa lại chữa lành kẻ mắc bệnh phung cũng bị người đời coi như đã chết dần chết mòn. Sau đó, thánh nhân giải thích về sinh lực sự sống nơi Đức Chúa. Đó không là “mãnh lực của tà thần”, nhưng trái lại, chính Ngài đã tống xuất uy lực của sự chết bằng việc chứng tỏ Ngài mạnh hơn chúng. Ngài làm thế, qua việc chữa lành cho người bệnh, khỏi mãnh lực của tà thần mà họ từng bị uy hiếp. Ngài chữa lành bằng sờ chạm đầy xót thương.                           
Đức Giêsu chứng tỏ cho mọi người thấy tình thương yêu/đùm bọc tiếp cận được mọi người sẽ mạnh mẽ hơn mọi uy lực, dù là uy lực của sự sống hay nỗi chết. Đây, là điểm nhấn mà các Đức Giáo Hoàng từ Đức Phaolô VI đến các vị về sau, vẫn gọi sự kiện này là “văn hoá của thương yêu”. 
Kịp đến khi thánh Gioan Tẩy Giả bị vua quan giết chết, thánh Mác-cô lại kể cho người đọc Tin Mừng biết những ám muội do sức mạnh của tà thần/sự chết tập hợp và trực chỉ vào chính Chúa. Ngài thân hành đi Giêrusalem để giáp mặt với chúng. Giáp mặt không theo kiểu của giác đấu có người thắng, kẻ thua. Ở tình huống này, Ngài tuyên bố Ngài đến không phải để toàn thắng mọi chuyện nhưng là để “phục vụ”, tức cho đi trọn vẹn con người của Ngài như một bảo đảm cho tất cả những ai bị sức mạnh của tà thần sự chết ám hại.
Ngài đã cho đi chính mình Ngài, cho mọi người, không để sử dụng theo cung cách khuynh loát, thống trị mà như món quà dịu hiền để giải thoát con người khỏi mọi loại hình quyền lực. Cách duy nhất giúp Ngài thực hiện điều ấy là bằng cách tự thăng hoá tình thương yêu đối với những người bị hãm hại. Bằng vào con đường sống đem đến cho Ngài vì mục đích cao cả ấy. Thánh Máccô cho thấy Đức Giêsu luôn chọn lập trường chống lại quyền hành và ưu đãi để có thể làm được thế. Thánh sử còn cho biết: ngay đến môn đồ Ngài cũng hiểu sai hoặc không nhìn thấy mục tiêu Ngài đi tới.
Thánh Máccô nhìn về Hội thánh như thánh hội hành xử khác với đồ đệ của Chúa. Nhưng, ngay sau khi Chúa sống lại, Hội thánh biết dấn bước theo bước đường Ngài đi ngõ hầu làm sống lên sức sống đã được Thần Khí Chúa hỗ trợ bằng mọi ân lộc của ngày lễ Ngũ Tuần.
Với thánh Máccô, điểm đặc trưng nơi Đức Giêsu là tính nhân hiền, hiện thực. Đức Giêsu ở Tin Mừng thánh Máccô là Đấng sống trong cảnh dậy sóng, rất phong ba. Ngài không như người Galilê nhàn nhã, với tướng tá một lãnh tụ. Ngài chẳng có nét vẻ anh hùng La Mã, Hy Lạp hay Do thái. Ngài chỉ trải rộng cho người sống chung quanh sự kinh ngạc, hoảng hốt đến độ khao khát sự cao cả. Với họ, lời Ngài rất phức tạp, khó hiểu. Toàn ý tưởng làm đồ đệ rối trí. Ai thích chuyện nổ dòn hoặc nệ cổ đều không ưa kiểu Ngài giảng dạy. Họ chỉ muốn Ngài toàn thắng quan chức đô hộ, lộng hành bằng tính quả cảm dám ăn dám nói trước mãnh lực của sự dữ. Ngài là Đấng duy thực cao cả chưa từng thấy. Dám trực diện sự chết. Cung cách của Ngài hiền từ, êm dịu hơn mọi người. Nơi Ngài, mọi người thấy phát tiết sự hiền dịu trỗi dậy từ sự chết.
Với Tin Mừng thánh Máccô, người đọc không thấy nói việc Chúa sinh ra. Nhưng, tác giả đi thẳng vào việc gặp gỡ Đức Kitô trưởng thành dính dự vào những vấn đề của đời Ngài. Ngài giữ kín lý lịch. Ngài chẳng muốn làm phép lạ để tỏ ra là mình cao cả. Nhưng Ngài liều lĩnh đưa mạng sống mình ra để giải thoát sự sống rất hiền dịu là Nước Trời, cho mọi người. Dù có bị hành hình đến nỗi chết, Ngài vẫn hiên ngang tiến tới. Ngài không có uy lực trên mọi người, nhưng lại có “quyền lực” trên mọi sức mạnh phi nhân bản chỉ muốn kềm chế con người.
Sống như thế, Đức Giêsu chừng như thách thức các nhóm người Do thái đã vững chãi vào thời Ngài. Họ đáp trả bằng việc ly cách Ngài khỏi dân và cuối cùng bằng cái chết rất khổ nhục. Tin Mừng của thánh Máccô viết về Chúa là viết về thân phận của Đức Giêsu đặt trong tay của những con người không niềm tin.
Cuối cùng, Ngài chết trong bóng tối. Và lúc ấy, không có dấu hiệu của sự trỗi dậy và các phụ nữ đành bỏ về trong lặng thinh. Nhưng, Đấng Dịu Hiền đã trổi dậy, về với Galilê để tiếp tục làm sạch nhân trần khỏi uy lực bạo tàn của sự chết. Với thánh Máccô, sống lại không phải là kết hậu cho truyện kể rất sầu buồn. Đó là khởi đầu của truyện kể mới. Một hiện hữu mới đem đến với Chúa, với đồ đệ và với người đọc Tin Mừng, thánh nhân viết. Vào cuối trang Tin Mừng, thánh Máccô nói các phụ nữ bỏ chạy vì hãi sợ. Cứ từ từ xem sao. Vâng. Có thể là, thánh Máccô trả lời: sao quý vị lại cứ nghĩ là chính tôi phải viết những đoạn kế tiếp? Chính quý vị mới là người lãnh trách nhiệm tiếp tục viết Tin Mừng.
Nơi thánh Máccô, quả có sự hiện thực khá bất thường. Bất thường là thánh nhân đề nghị chúng ta chỉ lĩnh hội khá nhiều thực tế, rất như thế. Thánh Mác-cô trình và thuật cho ta thấy Đức Giêsu có thể đảm nhận trọng trách ấy. Đồng thời, nơi thánh Mác-cô lại có sự hiền dịu rất bất thường. Trong khi đa số con dân Chúa chỉ có rất ít sự hiền dịu ấy. Phần đông chúng ta đều nhìn thấy được sự hiền dịu ở nơi nào sự hiện thực đang nhạt phai.Thánh Mác-cô còn cho thấy nơi Đức Giêsu, sự hiền dịu đã lên đến cực điểm ngay giữa hiện thực. Đó là nghịch thường của Tin Mừng do thánh nhân viết. Chính đó vừa là sự chết và sống lại hiện hữu cùng một lượt.
Phụng vụ năm nay còn trưng dẫn nhiều chương đoạn của Tin Mừng thánh Máccô viết. Và, người đọc cũng còn học được nhiều điều về cuộc sống. Về, sự sống có nỗi chết . Về sự sống ngay chính giữa nỗi chết. Có người quan niệm: Mùa Chay năm nay sẽ bắt đầu hơi sớm. Nhưng nếu đọc kỹ Tin Mừng thánh Máccô viết, ta sẽ còn thấy rõ, theo chừng mực nào đó, mùa chay tịnh đã bắt đầu từ lâu rồi. Bắt đầu từ cuộc sống mới chớm, ở nơi ta.
Trong tâm tình nhận ra mùa chay trong đời người, cũng nên ngâm lên lời thơ trên để vui sống: 

                        “Tương tư nổi đuốc thâu canh đợi
Thoảng gió ..trà mi động mấy bông..”
(Vũ Hoàng Chương – Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai?)

Có nổi đuốc thâu canh đợi mấy đi nữa, cũng chẳng thấy rõ Mùa Chay đời người đã có đó nơi con người. Bởi, sự sống của mỗi người đều đính kèm mãnh lực của sự chết, rất dễ biết. Biết rõ khi nhận thức được sự hiền dịu của Đức Chúa, nơi hiện thực ở đời người.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –
Mai Tá lược dịch.

No comments: